Tạo đòn bẩy cho ngành hàng sen phát triển bền vững
Bên cạnh sở hữu tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, cây sen còn là biểu tượng, đặc sản mang dấu ấn con người, quê hương Đất Sen hồng. Tiếp tục bắc những nhịp cầu cho ngành hàng sen tỉnh nhà phát triển bền vững, UBND tỉnh tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” (diễn ra từ ngày 16-19/5). Sự kiện được xem là đòn bẩy mở ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế, văn hóa sen Đồng Tháp, xây dựng hình ảnh quê hương Đất Sen hồng.
Trước sự kiện này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024.
Phóng viên: Cây sen là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp tỉnh nhà rất nhạy bén khi khai thác tài nguyên bản địa kết hợp với du lịch và chế biến. Ông vui lòng chia sẻ những kết quả nổi bật về ngành hàng sen của tỉnh trong thời gian qua?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, cùng với đó, Hội ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp được thành lập nhằm mục đích liên kết để cùng phát triển, hỗ trợ hoạt động trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại... Sau 2 năm hoạt động, Hội bước đầu góp phần nâng tầm giá trị “kinh tế và văn hóa” ngành hàng này.
Hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành hàng sen, tỉnh quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sen tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò... Ngành nông nghiệp đẩy mạnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương đăng ký mã số vùng trồng gắn với việc nhập dữ liệu, nhật ký sản xuất qua website vdapes.com hoặc App Đồng hành cùng Rynan giúp thuận lợi trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các địa phương còn chủ động triển khai xây dựng các mô hình canh tác sen (chuyên canh sen, sen - cá, sen - lúa...) chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm... Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan.
Năm 2023, diện tích gieo trồng sen của tỉnh đạt trên 1.800ha (đạt trên 130% so với mục tiêu kế hoạch đến năm 2025), lợi nhuận bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/vụ. Giá trị sản xuất ngành hàng sen tăng theo từng năm khi tận dụng tốt lợi thế từ loại cây đa giá trị này.
Tỉnh cũng tập huấn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu, sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng từ sen phong phú, đa dạng. Hiện, Đồng Tháp có 59 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao (Hạt sen sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp)... Bên cạnh đó còn có nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế với nhiều triển vọng phát triển như: tranh lá sen, thư pháp lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng... Đáng phấn khởi là có nhiều dự án khởi nghiệp từ sen thành công của các bạn trẻ như: Ecolotus của Khởi Minh Thành Công, Tinh dầu Hương Đồng Tháp, Nhang sen Liên Tâm, Sữa hạt sen Ba Tre...
Để mở rộng thị trường, thời gian qua, Đồng Tháp còn kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm sen với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước như: Hàn Quốc, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan... Đặc biệt, tỉnh đã đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen.
Trên tinh thần tiếp tục phát huy giá trị sen Đồng Tháp trong phát triển du lịch, tỉnh tổ chức thí điểm tour du lịch trải nghiệm như: Dạo cung đường sen, Dệt khát vọng xanh... với các hoạt động tham quan Đồng sen Gò Tháp, trải nghiệm làm món ăn sen, tiệc buffet sen, trải nghiệm làm nón lá sen, túi lá sen, ướp trà sen, kéo chỉ tơ sen... Đồng thời cập nhật, quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp trên website, kênh youtube, fanpage của Hội ngành hàng sen tỉnh; lập kênh Tiktok “Ẩm thực sen Đồng Tháp”.
Phóng viên: Tiếp nối sự thành công của sự kiện lần trước, Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024 sẽ có những điểm nhấn thú vị, độc đáo gì? Đồng Tháp đặt kỳ vọng gì về Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024, thưa ông?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”, Lễ hội Sen diễn ra từ ngày 16- 19/5/2024 với gần 30 hoạt động văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực hấp dẫn. Nhân dân và du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm chất sen cùng với các hoạt động nổi bật. Đáng chú ý là chương trình nghệ thuật khai mạc diễn ra vào tối 16/5/2024 với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, sôi động, thể hiện giá trị đặc trưng, tiêu biểu về sen Đồng Tháp - người Đồng Tháp. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp và trên 20 Đài Phát thanh - Truyền hình trong cả nước tiếp sóng, thu phát lại.
Điểm nhấn đặc sắc về sen còn được thể hiện qua bản đồ Việt Nam được tạo hình trên 6.000 chậu sen. Cùng với không gian đại cảnh cội nguồn quê hương, sắc sen lan tỏa, tiểu cảnh hồ Văn Miếu, dòng sông sen, không gian trưng bày sen quốc tế, không gian sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt từ 57 giống sen với hơn 66.000 chậu sen sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) cùng sở ngành, địa phươngkiểm tra công tác chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 (Ảnh: Mỹ Lý)
Đến với Lễ hội Sen, quý khách còn được tham quan, mua sắm tại Hội chợ Công Thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 quy tụ 250 gian hàng thuộc các doanh nghiệp các tỉnh khu vực và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại không gian giới thiệu, trưng bày chuỗi giá trị ngành hàng sen, sản phẩm OCOP với 59 sản phẩm OCOP và hơn 40 sản phẩm làm từ sen sẽ là điểm mua sắm thú vị dành cho người dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Phố ẩm thực sen được tổ chức phục vụ các món ăn, thức uống từ sen cũng là điểm nhấn hấp dẫn đáp ứng nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm cho du khách.
Ngoài ra, Lễ hội còn rất nhiều hoạt động phong phú như: Lễ hội Canival, chương trình nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ Đất Sen hồng” kết hợp đa loại hình hoạt động. Dịp này, có 5.500 phụ nữ mặc áo dài sen diễu hành, hưởng ứng Lễ hội Sen, chào mừng Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác và Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thể hiện lòng biết ơn, thành kính của Nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo khoa học “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập”; Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cũng là diễn đàn khoa học bổ ích, thiết thực góp phần nâng cao giá trị ngành hàng sen. Hội thảo còn bố trí không gian trưng bày để du khách tìm hiểu thêm về quá trình hình thành bộ nhận diện về sen, biểu trưng, khẩu hiệu và các chính sách liên quan đến sen.
Qua Lễ hội Sen Đồng Tháp lần II năm 2024, chúng tôi mong muốn du khách, người dân nhận diện đầy đủ giá trị văn hóa sen đối với vùng đất, con người Đồng Tháp; nâng tầm phát triển sen Đồng Tháp trong các phương diện văn hóa - kinh tế. Đồng thời hướng tới kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế nói chung và ngành hàng sen Đồng Tháp nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo trong tình hình mới.
Phóng viên: Bên cạnh đòn bẩy từ lễ hội, tỉnh có những giải pháp gì để giúp ngành hàng sen tỉnh nhà phát triển bền vững, mở rộng thị trường trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện phát triển ngành hàng sen hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, phát triển bền vững, mở rộng thị trường. Trên tinh thần đó, tỉnh tập trung những giải pháp như: thực hiện quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch... Đồng thời thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói của các doanh nghiệp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ sen, hoàn thiện quy trình canh tác sen bền vững, bản đồ phân bố vùng nguyên liệu sen...
Không chỉ tập trung trồng sen lấy hạt như trước đây mà phải đa dạng hóa bộ giống sen trong sản xuất như: sen trồng lấy củ, sen trồng lấy hoa, sen trồng lấy lá... nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu để sản xuất đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, nghiên cứu thị trường (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản...) để làm cơ sở định hướng cho phù hợp vùng quy hoạch. Hỗ trợ tư vấn xây dựng hợp đồng liên kết, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường và chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn... nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sen.
Đồng Tháp cũng sẽ đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với sản xuất an toàn; tăng cường hợp tác, liên kết vùng và liên kết “4 nhà”, kết hợp phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, phát triển và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn của du lịch tỉnh nhà, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Duy (thực hiện)