Tạo 'đòn bẩy' làm đường sắt đô thị

Tại Thủ đô, theo quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km.

Mới triển khai được gần 9% tổng số km đường sắt đô thị theo quy hoạch

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có khoảng gần 8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 6,6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ôtô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Thủ đô.

Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được đưa vào vận hành từ tháng 7/2024. Ảnh minh họa.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được đưa vào vận hành từ tháng 7/2024. Ảnh minh họa.

Trong khi theo Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội có 20 đô thị các loại. Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, 3 tuyến tàu điện một ray trong tương lai.

Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết: Hà Nội hiện mới đưa vào khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông 13 km; Đang thi công xây dựng 2 tuyến dài 24 km là: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội.

Như vậy, mới có gần 9% tổng số km đường sắt đô thị được triển khai theo quy hoạch.

Cụ thể, với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), tiến độ tổng thể dự án đạt 78,52%, trong đó, đoạn trên cao đạt 99,95%, đoạn ngầm đạt 34,1%.

Hiện tại, công tác nghiệm thu, bàn giao đang được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tham gia, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ đảm bảo kế hoạch sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao.

Đối với đoạn tuyến ngầm gồm: gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm) sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đến nay tiến độ đạt 42,22%. Các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý 2/2024.

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km. Dự án có 1 depot tại Xuân Đỉnh diện tích 17,5 ha, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, 10 đoàn tàu; đường sắt đôi khổ 1.435mm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131.023 triệu Yên Nhật). Tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên Nhật), sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2009 - 2015. Dự án đang dự kiến điều chỉnh hoàn thành đưa vào khai thác 2029 và 2 năm đào tạo vận hành đến năm 2031 theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản thực hiện xong các ga và đoạn tuyến trên cao và 5/7 ga ngầm. Khu Depot đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất ở chưa thực hiện.

Do dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư nên không thực hiện được việc ký kết Hiệp định vay, theo ý kiến của Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA chỉ thực hiện việc ký kết Hiệp định vay sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.

Đồng thời, chưa nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 theo phương án ga C9 điều chỉnh. Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Với các tuyến còn lại, dù Hà Nội nhiều lần đặt quyết tâm triển khai tuy nhiên, không khó để thấy vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực.

Theo tính toán, để phát triển các tuyến đường sắt đô thị, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư do Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị (MRB) nghiên cứu lên tới khoảng 55,442 tỷ USD.

Cách nào đẩy nhanh tiến độ?

Transit Oriented Development gọi tắt là TOD nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Phát biểu tại Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị" vừa diễn ra tại Hà Nội, ThS Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, giao thông công cộng có nhiều loại, nhưng chỉ có đường sắt đô thị mới thực sự giải quyết được giao thông đô thị từ 5 triệu dân trở lên.

Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh: Nếu không có giải pháp về cơ chế quản lý và nguồn tiền, không thể hoàn thành mục tiêu phát triển đường sắt đô thị.

"Chìa khóa" để phát triển đường sắt đô thị tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo ông Đông là làm TOD, quy hoạch TOD để đấu giá quyền đầu tư bất động sản ở khu vực đó.

Theo đó, Nhà nước quy hoạch và quản lý, tổ chức đấu giá nhượng quyền đầu tư các dự án TOD (dự án bất động sản) sẽ tạo nguồn thu ngân sách đủ để đầu tư hệ thống metro mà không cần vay nợ nước ngoài. Bằng cách quản lý theo mô hình này, Nhà nước thu được lượng tiền lớn để đầu tư.

"Phát triển đô thị TOD tại các nhà ga thuộc hệ thống Metro là một giải pháp tổng thể giải quyết được rất nhiều những bất cập cố hữu trong phát triển các đô thị có quy mô trên 8 triệu dân như Hà Nội và TP HCM. Tầm quan trọng và sự cần thiết của mô hình này là giao thông đi đến đâu, đô thị phát triển đến đó.

Liên kết tương quan giữa Metro và TOD có mối quan hệ mật thiết tương hỗ với nhau. Đô thị nén dàn trải không kết nối thuận tiện với giao thông công cộng metro thì gây tắc đường muôn thuở. Ngược lại, dân cư trong các TOD là hành khách mặc định đảm bảo doanh thu cho Metro", ông Đông cho hay.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay: Việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) sẽ giúp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của TP Hà Nội.

"Việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt đô thị hiện nay là rất cần thiết. TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó giao thông đô thị" - ông Thường nhấn mạnh.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, 5 thế mạnh của Metro là: Năng suất vận chuyển cao nhất (30-60.000 hành khách/giờ, gấp 10 lần xe buýt, trên 100 lần xe máy và ôtô cá nhân); Tốc độ cao và đúng giờ nhất (80-100km/h); Tiện nghi và an toàn nhất; Giữ sạch môi trường nhất; Hệ thống metro ngầm (underground) nếu được quy hoạch và chọn hướng tuyến tốt, cho phép giảm đáng kể phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm lớn nhất quỹ đất dành cho giao thông, nhờ đó có thể giảm giá xây dựng xuống 30-60%.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tao-don-bay-lam-duong-sat-do-thi-192240523133513427.htm