Tạo động lực mới cho phát triển
Bắc Giang thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật, xã hội đang được tập trung xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đây cũng là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Khai thác lợi thế này, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh ở mỗi nhiệm kỳ đều đưa ra mục tiêu cụ thể tạo động lực mới cho phát triển KT-XH, trong đó có giải pháp trọng tâm là thu hút đầu tư.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu nhiệm vụ trong 5 năm là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị... Toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm 14-15%; GRDP bình quân đầu người từ 5.500-6.000 USD; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 14-16%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 470 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 105-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Nghị quyết, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, tạo dấu ấn rõ nét, tăng sức hấp dẫn cho thu hút đầu tư.
Thứ nhất, đẩy nhanh xây dựng đồng bộ quy hoạch. Muốn thu hút đầu tư thì phải có quy hoạch được phê duyệt, chính vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung cao chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt xây dựng xong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất. Ngày 17/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang và đây là bản Quy hoạch tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được phê duyệt.
Theo Quy hoạch, Bắc Giang có 29 khu công nghiệp, 64 cụm công nghiệp với diện tích đất công nghiệp lên đến khoảng 10 nghìn ha; 9 khu logistics, 13 sân golf... Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp, đồng bộ. Nhờ Quy hoạch tỉnh sớm được phê duyệt nên Bắc Giang đã được nhiều nhà đầu tư lớn như: Foxconn, Luxshare, Samsung, JA Solar Investment, Sunwoda, Siflex, Samkwang, Crystal Martin... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Thứ hai, thay đổi tư duy thu hút đầu tư. Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy chỉ đạo chủ trương thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của địa phương, trong đó ưu tiên chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư vào tỉnh. Thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư. Thu hút các dự án gắn với nâng cao công nghệ. Chú trọng kêu gọi, thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, lựa chọn các dự án có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...
Thu hút các dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với khu vực DN trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Với quan điểm “Nhà đầu tư phát tài, địa phương phát triển”, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư với 5 tiêu chí cụ thể: Về suất đầu tư tối thiểu (tỷ đồng/ha); về sử dụng lao động (số lao động/1 tỷ đồng vốn đầu tư); về năng lực của nhà đầu tư; về hiệu quả KT-XH, giá trị gia tăng; về công nghệ, môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tỉnh Bắc Giang. Thực hiện Nghị quyết 105, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã hết sức cầu thị và nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Đặc biệt, Nghị quyết 105 đã thổi “luồng gió mới” vào suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm thay đổi căn bản tư duy, chuyển từ tư duy “quản lý DN” sang tư duy “phục vụ DN”.
Ngày 2/6/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu đối với cán bộ đảng viên phải “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả). Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, công tác cải cách TTHC có chuyển biến tích cực.
Năm 2022, lần đầu tiên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang đứng thứ 2 toàn quốc, tăng 29 bậc so với năm 2021; năm 2023 đứng thứ 4 toàn quốc. Về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năm 2022 và 2023, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 4/63 tỉnh, TP.
Các TTHC đều được rà soát và chuẩn hóa, một số TTHC đã được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, được các DN, nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao. Một điểm đổi mới là UBND tỉnh đã giao cho Hiệp hội DN tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp các sở, ngành và các huyện, thị xã, TP (DDCI). Kết quả khảo sát DDCI giúp lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP nhận diện rõ những điểm mạnh cần phát huy và hạn chế cần khắc phục. Từ đó lãnh đạo các đơn vị xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn triển khai các giải pháp phù hợp với thực tế và kịp thời. DDCI là cách “truyền lửa” cải cách từ lãnh đạo tỉnh xuống lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 11/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực đời sống, KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh; đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, khơi dậy khát vọng bứt phá vươn lên hướng tới mục tiêu xây dựng Bắc Giang phát triển toàn diện, bền vững.
Thứ năm, Bắc Giang tập trung phát triển mục tiêu "3 an", đó là: An ninh - An sinh - An toàn. Theo đó tỉnh bảo đảm an ninh trên mọi mặt đời sống; an sinh là mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, không có ai bị bỏ lại phía sau; an toàn là tiêu chí bao trùm bảo đảm sự phát triển an toàn và bền vững. Mục tiêu "3 an" thể hiện quan điểm lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, tất cả vì phục vụ nhân dân, để mọi người dân được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế mang lại, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Từ sự chuyển động đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ. Năm 2022, lần đầu tiên PCI của Bắc Giang đứng thứ 2 toàn quốc, tăng 29 bậc so với năm 2021; năm 2023 đứng thứ 4 toàn quốc. Việc thực hiện thành công Nghị quyết 105-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, quy mô GRDP được mở rộng, vươn lên vị trí 12 cả nước và dẫn đầu các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ. 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 13,89%, cao nhất cả nước.
Với những kết quả nêu trên cho thấy Bắc Giang đang đi đúng hướng về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh vươn lên mạnh mẽ, sớm trở thành một trung tâm công nghiệp mới, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc, xứng đáng với truyền thống văn hóa và lịch sử hào hùng của tỉnh.
Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-093840.bbg