Tạo động lực mới, sức bật mới cho tăng trưởng 2025

Chính phủ quyết tâm đưa tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức trên 8%, với hàng loạt yêu cầu đặt ra cho các ngành, lĩnh vực và địa phương. Tạo nền tảng để đất nước bước vào giai đoạn mới, có thể đạt GDP 2 con số.

Đột phá tăng trưởng 2025

Nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026), Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn VGP

Ảnh minh họa. Nguồn VGP

Tại đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 6,5-7%), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5% (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 4,5%).

Bên cạnh đó là các kịch bản tăng trưởng các ngành như: Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).

Theo kịch bản này, các khu vực kinh tế tăng tốc, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2024 từ 0,7-1,3% trở lên; trong đó, công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Về các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Chính phủ tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD.

Địa phương, bộ ngành quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Để thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Với việc lần đầu tiên ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương trong 1 năm. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn so với mức đạt được năm 2024. Đây vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi ngành, địa phương phấn đấu.

Mức tăng trưởng thấp nhất được giao cho các địa phương là 8%. 26 tỉnh thành được giao chỉ tiêu này, kể cả những tỉnh thành, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 chỉ tăng 3-5% như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng,… thì năm nay cũng phải đạt con số tối thiểu. Nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đã cam kết nỗ lực thực hiện mục tiêu.

Theo chương trình hành động Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành nêu rõ. Năm 2025, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô... ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại.

UBND TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2025 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Cùng đó, UBND TP Hà Nội cũng sẽ đổi mới tư duy, phương pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và quản lý, điều hành theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; bám sát thực tiễn; lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Chỉ tiêu giao cho TP Hồ Chí Minh là 8,5%, cao hơn mức 7,17% của năm 2024. Để đạt được con số này, TP sẽ phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn hiện hữu để khơi thông nguồn lực.

Với Hải Dương, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 12% so với năm 2024, tỉnh đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển và 15 giải pháp trọng tâm, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ rào cản và khơi thông nguồn lực. Quyết tâm khắc phục các dự án chậm tiến độ, đưa công trình vào hoạt động để tránh lãng phí.

Tháng 1/2025, nhiều địa phương trong cả nước đạt doanh thu nghìn tỷ đồng từ hoạt động du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng tốc phát triển du lịch từ đầu năm, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Nền tảng vượt qua khó khăn

Chỉ ra một số động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025, TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích cụ thể về cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng để giúp thúc đẩy thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.

Một động lực quan trọng là việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Điều này sẽ tạo nền tảng thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực đột phá chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây - những ngành có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn với các cơ chế ưu đãi đặc thù và hoàn thiện hệ thống tín dụng xanh.

Trong báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng UOB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025. Theo lý giải của ngân hàng này, họ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam sau khi tăng trưởng GDP năm 2024 đã vượt xa dự báo chung (6,7%), cũng như vượt xa mục tiêu đã đề ra (6,5%). “Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực hơn từ các động lực trong nước, như sản xuất, tiêu dùng nội địa và lượng khách du lịch, đặc biệt là trong nửa đầu năm” - các chuyên gia của UOB nhận định.

Phát biểu trước đó tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, ông Suan Teck Kin - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, mặc dù Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng song song với đó là ba cơ hội đáng kể để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong năm nay.

Với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09% trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.

Cách tiếp cận rất quan trọng của Nghị quyết 25, đó là giao trách nhiệm cho từng bộ ngành, địa phương. Đây là một cách tiếp cận khác so với nhiều Nghị quyết trước. Mỗi địa phương phải gắn trách nhiệm cụ thể của mình cho những mục tiêu chung, nó tạo động lực cho các địa phương, các bộ ngành phải hành động. Bởi kinh nghiệm của nhiều năm qua cho thấy, cùng 1 chủ trương chính sách, có thể có một số địa phương khai thác được tốt và kết quả cao hơn hẳn so với địa phương khác. (Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn)

Năm 2025 sẽ có những đột phá về đầu tư công, đặc biệt là nửa cuối năm 2025, qua đó khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân vốn bị chững lại trong 3 năm qua. Năm 2025 cũng là điểm rơi của nhiều dự án quan trọng, chẳng hạn như dự kiến hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc - Nam; kích hoạt nhiều dự án mới như dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây với tổng chiều dài trên 1.200 km qua 23 tỉnh, thành phố. đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, cũng là năm cuối cùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025. (Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-dong-luc-moi-suc-bat-moi-cho-tang-truong-2025.html