Tạo đồng thuận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, huyện Đại Từ chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần từng bước thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, dần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trên địa bàn huyện.

Bà con dân tộc thiểu số ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ), phát huy lợi thế từ trồng chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: T.L

Bà con dân tộc thiểu số ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ), phát huy lợi thế từ trồng chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: T.L

Xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ), có hơn 100 hộ là đồng bào dân tộc Dao. Bà con từng sống trên núi cao, được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể vận động, họ hạ sơn để khai hoang cấy lúa, trồng ngô. Nhưng vì địa hình hầu hết là đồi núi, ít ruộng, kiến thức thâm canh lại hạn chế nên cây trồng cho năng suất thấp, đời sống người dân nghèo khó dai dẳng.

Rồi được địa phương đưa người về tập huấn, tuyên truyền, bà con ở đây bắt đầu đưa cây chè lai vào trồng trên các nương đồi, từng bước bén rễ phát triển. Hiện nay, xóm có hơn 30ha chè, chủ yếu là giống LDP1 và Phúc Thọ. Nhờ thường xuyên được tập huấn kỹ thuật, người dân trong xóm đã làm thêm chè vụ đông, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP.

Những năm gần đây, năng suất, sản lượng, giá bán chè ở xóm Tân Lập không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2013, năng suất chè là 90 tạ/ha thì nay tăng lên trên 120 tạ/ha, giá bán tăng từ 100 lên 300-400 nghìn đồng/kg, có gia đình sản xuất chè sạch, chè đinh giá bán đến hàng triệu đồng/kg.

Đời sống của bà con cũng dần nâng lên, đến nay xóm đã xóa được hộ nghèo, số hộ khá, giàu ngày càng nhiều. Ông Bàn Văn Thắng, một trong những người làm chè có tiếng ở xóm Tân Lập, cho biết: Nhờ tham gia lớp tập huấn, được cán bộ dạy cách làm chè VietGAP, tôi về áp dụng trên 5 sào chè của gia đình, thực hiện đúng theo nguyên tắc 4 đúng là: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, cách làm. Vì thế, giá chè khô của gia đình hiện đạt trên 350 nghìn đồng/kg.

Tân Lập là một trong nhiều xóm đồng bào DTTS ở huyện Đại Từ có sự thay đổi nhanh chóng nhờ địa phương thực hiện tốt công tác dân vận để người dân từng bước thay đổi tư duy làm kinh tế. Huyện Đại Từ hiện có trên 27 vạn người, trong đó bà con DTTS chiếm 27%, với 8 dân tộc (chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí), tập trung ở các xã Phúc Lương, Đức Lương và thị trấn Quân Chu.

Người dân tổ dân phố 3, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), đầu tư trồng cây ăn quả, giúp nâng cao thu nhập.

Người dân tổ dân phố 3, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), đầu tư trồng cây ăn quả, giúp nâng cao thu nhập.

Những năm qua, Huyện ủy Đại Từ tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, trong đó tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quan tân công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động bà con những vùng DTTS phát triển kinh tế.

Đồng chí Hoàng Thị Bạch Yến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đại Từ, cho biết: Để công tác dân vận đạt hiệu quả, cán bộ làm công tác dân vận ở các vùng đồng bào DTTS thường xuyên sâu, sát địa bàn cơ sở, nắm rõ tình hình, đặc điểm của từng xóm, bản, dựa vào điều kiện thực tiễn, nhu cầu của người dân, từ đó tuyên truyền để người dân biết, hiểu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như kế hoạch địa phương; định hướng các nội dung cần tập trung, để người dân thông suốt, đồng lòng thực hiện.

Từ những đánh giá đặc thù và lợi thế từng vùng, các cán bộ làm công tác dân vận chú trọng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về những cách làm cụ thể, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, thông qua việc hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật để bà con đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế một cách bền vững; tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không sa vào tệ nạn xã hội, tăng cường giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc…

Nhờ làm tốt công tác dân vận, đời sống bà con các vùng DTTS trên địa bàn huyện Đại Từ từng bước khởi sắc. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, trong 2 năm 2022, 2023 trên địa bàn huyện Đại Từ giảm 638 hộ nghèo đa chiều là người DTTS, tương ứng với 3,91%, bình quân giảm 1,95%/năm (vượt kế hoạch đề ra là 1,3%/năm). Giai đoạn 2024-2029, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống dưới 6,5% theo tiêu chí mới…

Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai. Năm 2019, huyện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn, đến nay cả 27/27 xã đã đạt chuẩn, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Tiên hội, La Bằng, Hà Thượng, Hoàng Nông, Ký Phú. Huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025…

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/dan-van-kheo/202408/tao-dong-thuan-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-34701f9/