Tạo đột phá phát triển du lịch Đồng Nai

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng

Đồng Nai là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng kết quả khai thác vẫn chưa tương xứng. Trao đổi về những định hướng của tỉnh trong phát triển du lịch tại địa phương, Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG cho biết:

- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Đồng thời, xác định du lịch là lĩnh vực đột phá, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Đồng Nai, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

* Thưa ông, vì sao du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh?

- Đồng Nai là địa phương có tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn, trong khi tỉ trọng của ngành du lịch rất nhỏ, đóng góp chỉ dưới 10% GRDP. Nếu tỉ trọng của ngành du lịch đóng góp từ 10% GRDP trở lên mới được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, dưới 10% GRDP là ngành kinh tế quan trọng. Do đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng, đột phá. Việc ban hành nghị quyết này thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai trong việc khơi dậy mọi tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch. Cơ cấu kinh tế của Đồng Nai là công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp - lâm nghiệp, nhưng lĩnh vực dịch vụ, trong đó có du lịch, phát triển chưa xứng với tiềm năng. Khi du lịch phát triển sẽ tạo lan tỏa đến sự phát triển các ngành dịch vụ khác (ăn uống và nghỉ ngơi, GT-VT, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, xây dựng)…

* Trong thời gian qua, phát triển du lịch có những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch được nâng cao rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch của các cấp ủy Đảng, chính quyền được tăng cường. Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng (tuyến đường vào Thác Mai, cáp treo núi Chứa Chan, hồ Đa Tôn...), tổng số vốn đầu tư tôn tạo di tích là 151 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và thu hút một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy du lịch phát triển (khu du lịch Sơn Tiên, thác Ba Giọt, hồ Đa Tôn, các cơ sở lưu trú...) với tổng số vốn gần 1,5 ngàn tỷ đồng.

Hoạt động du lịch đã giải quyết việc làm cho khoảng 4 ngàn lao động trực tiếp và 7,5 ngàn lao động gián tiếp. Góp phần tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong hoạt động du lịch nhìn chung được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân lượt khách đạt 8,5%/năm; tăng trưởng bình quân doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9,6%/năm...

Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa), một trong những địa điểm thu hút khách du lịch tại Đồng Nai. Ảnh: Kim Liễu

Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa), một trong những địa điểm thu hút khách du lịch tại Đồng Nai. Ảnh: Kim Liễu

* Nghị quyết số 04-NQ/TU nhận định, du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, vậy mục tiêu, giải pháp định hướng phát triển trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Mục tiêu chung nghị quyết đề ra là phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ. Hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp ở các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có một số khu du lịch lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh. Còn mục tiêu cụ thể được xây dựng theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, thu hút 4,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3,4 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6 ngàn lao động trực tiếp và 10 ngàn lao động gián tiếp; đến năm 2030 là 9 triệu lượt khách, doanh thu đạt 10 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 ngàn lao động trực tiếp và 22 ngàn lao động gián tiếp.

9 nhóm giải pháp được đề ra trong thời gian tới là tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: nâng cao nhận thức, tư duy về du lịch; quy hoạch và triển khai quy hoạch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn du khách; đổi mới và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ.

* Để đạt được những mục tiêu trên cần phải làm gì, thưa ông?

- Một trong những nhiệm vụ đột phá được đề ra là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch các năm qua và các công trình quan trọng cấp quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3, các tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án giao thông liên kết vùng đang triển khai trên địa bàn sẽ tạo động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng

Kế đến là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng.

Nghiên cứu hình thành một số loại hình du lịch, điểm du lịch nhằm đón đầu, khai thác hiệu quả tác động từ cảng hàng không quốc tế Long Thành.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202204/tao-dot-pha-phat-trien-du-lich-dong-nai-3111354/