Tạo đột phá phát triển giáo dục từ Thông tư 29
Thông tư 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành quy định về dạy thêm, học thêm được xem là đột phá để tạo ra sự thay đổi trong phát triển giáo dục, hạn chế những hiện tượng tiêu cực do dạy thêm, học thêm xảy ra trong thời gian qua.

Học sinh cần trau dồi khả năng tự học
Nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường
Theo Bộ GD&ĐT, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng với mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dạy thêm, học thêm liên quan đến hoạt động giáo dục, tới học sinh và giáo viên nên cần phải quản lý thông qua việc ban hành các quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành. Đặc biệt là ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý, Thông tư 29 “không cấm” mà quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định, hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện. Những quy định này sẽ giải quyết được tận gốc những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Đồng thời, các nhà trường phải chăm lo nhiều hơn đến giáo dục chính khóa, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
“Dạy thêm phải đúng quy định, việc học thêm vì bắt buộc, tiêu cực cần phải bài trừ. Trách nhiệm của ngành là quản lý việc đánh giá và kiểm tra phù hợp với năng lực học sinh, phát huy tinh thần tự học, khả năng vận dụng của học sinh. Thực tế, nhiều em không đi học thêm nhưng rất giỏi nhờ tự học. Giáo viên cũng phải dần thay đổi, làm sao dạy hết kiến thức cho học sinh trên lớp. Đối với học sinh chưa hoàn thành, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp thì đã có chương trình dạy thêm trong nhà trường, không thu tiền. Điều này đúng theo tinh thần dạy học vì sự tiến bộ của học sinh”, ông Tân nói.
Mỗi người làm tốt vai trò của mình
Khẳng định Thông tư 29 sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong giáo dục, thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho rằng, những quy định của Thông tư 29 thay đổi nhận thức của xã hội, phụ huynh, học sinh và giáo viên. Điều này cũng tạo ra sự thay đổi trong công tác dạy học của các trường, đảm bảo chất lượng hơn để nâng cao uy tín, đạo đức của đội ngũ. Về phía giáo viên, phải luôn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng dạy học trên lớp.
“Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức vai trò, vị trí của mình trong hoạt động dạy và học. Nhà trường nâng cao trách nhiệm quản lý đối với công tác dạy học và giáo dục học sinh trong cũng như ngoài nhà trường. Giáo viên cũng vậy, phát huy vai trò để mỗi giờ lên lớp thật hiệu quả. Trách nhiệm của học sinh là trau dồi phương pháp, khả năng tự học, học tập tốt đáp ứng yêu cầu của chương trình. Phụ huynh cũng phối hợp tốt với giáo viên, nhà trường”, thầy giáo Ngô Đắc Dũng đề xuất.
Theo cô giáo Phan Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung (quận Thuận Hóa), vai trò quản lý của nhà trường trong việc kiểm soát dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học rất quan trọng, bởi nhà trường không chỉ là nơi thực hiện giáo dục mà còn là cầu nối giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhà trường cần nâng cao chất lượng giờ học chính khóa để học sinh không phải phụ thuộc vào việc học thêm, dành thời gian để phát triển kỹ năng, thể chất, năng khiếu.
Để Thông tư 29 sớm đi vào cuộc sống, Sở GD&ĐT đề nghị các trường triển khai ngay và nghiêm túc các quy định của Thông tư; giao trách nhiệm cho hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu kỹ văn bản và có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, chặt chẽ, thấu đáo, chịu trách nhiệm liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm giáo viên, học sinh khi thực hiện.
Ông Nguyễn Tân nhấn mạnh, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục thành phố rà soát việc chấp hành các chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc tổ chức kiểm tra định kỳ theo hướng khắc phục các bất cập tồn tại, phát sinh trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định mới; nâng cao nhận thức đội ngũ toàn ngành về trách nhiệm, tâm huyết của người thầy để chăm lo chất lượng giáo dục cho học sinh.