Tạo đột phá trong cải cách hành chính
Cải cách hành chính (CHCC) là một trong những nhiệm vụ đột phá được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, Đồng Nai luôn ở tốp những tỉnh, thành có nhiều nỗ lực về công tác CCHC, đặc biệt có năm Đồng Nai đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước trong công tác này với nhiều mô hình, cách làm mới vì người dân và doanh nghiệp”.
* Thêm nhiều tiện ích
Một trong những dấu ấn quan trọng liên quan đến công tác CCHC của Đồng Nai trong giai đoạn 2015-2020 đó là sự ra đời của Trung tâm Hành chính công tỉnh vào năm 2017. Ban đầu trung tâm được đặt tại tòa nhà Sonadezi (P.An Bình. TP.Biên Hòa) với cơ sở vật chất hiện đại. Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, cuối năm 2019, tỉnh đã quyết định xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính công tỉnh mới tại P.Tân Tiến
(TP.Biên Hòa). Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều tiện ích của dịch vụ công hiện đại, khi 22 sở, ban, ngành đều cử cán bộ trực tại quầy tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông hiện đại.
Kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp là 92%, tăng lên so với năm 2016 (83%); tỷ lệ đánh giá không hài lòng do nhũng nhiễu giảm xuống 1%, giảm so với năm 2016 (1,7%). Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp CCHC hiệu quả để phấn đấu đạt mục tiêu hài lòng của người dân đạt trên 85% đối với giai đoạn 2018-2020 và trên 90% đối với giai đoạn 2021-2025; giảm dần tỷ lệ đánh giá không hài lòng do nhũng nhiễu xuống dưới 1% trong giai đoạn 2021-2025.
Trước đây, để giải quyết một thủ tục, người dân có thể phải đi qua nhiều cửa, nhiều phòng, thậm chí đi lại nhiều lần rất bất tiện. Từ khi Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, người dân không còn phải đi lòng vòng, chạy từ sở này qua sở khác để được giải quyết thủ tục hành chính. Anh Phạm Văn Tân (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nếu so với 5 năm về trước thì hiện nay công tác cải cách thủ tục hành chính đã tiến một bước khá dài, người dân hài lòng hơn nhiều. Chẳng hạn khi cần cấp đổi giấy phép lái xe, nếu cần thì ngồi ở nhà vẫn có thể đổi được và nhận kết quả tại nhà bằng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích”.
Còn chị Phạm Thị Bảy ở xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) phấn khởi cho hay: “Trước đây, khi muốn tìm hiểu thông tin của một mảnh đất để mua bán cho hợp pháp thì phải ra huyện, hoặc lên tỉnh mới tra cứu được thông tin. Giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, nhập số tờ, số thửa vào là có thể biết thông tin mảnh đất đó ra sao”.
Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp mang lại chuyển biến tích cực cho công tác CCHC của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hình thành được trục liên thông thủ tục hành chính từ tỉnh xuống các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh và một số sở, ngành. Nhiều thủ tục hành chính các đơn vị có thể liên thông với nhau trong giải quyết. Ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin tạo ra nhiều kết nối tiện ích, người dân có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để xin cấp đổi hộ chiếu, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, cấp phép xây dựng… mà không cần phải đến cơ quan nhà nước mới làm được thủ tục.
* Nâng mức độ hài lòng
Thực hiện Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, nội dung của chương trình. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ CCHC, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và 11 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại các huyện, thành phố đều được người dân đánh giá mức độ hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả thực hiện CCHC của tỉnh được Bộ Nội vụ đánh giá khá cao thông qua việc xác định các chỉ số CCHC. Cụ thể, chỉ số CCHC năm 2016 Đồng Nai xếp thứ 4/63 tỉnh, thành; năm 2017 xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, thành; năm 2018 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành; năm 2019 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về CCHC tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu với công tác này. Nhiều đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, các huyện đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện chữ ký số thay cho hình thức chữ ký trực tiếp, qua đó có thể giải quyết công việc bất cứ khi nào và ở đâu. Công tác CCHC còn được HĐND, MTTQ và đoàn thể các cấp tăng cường giám sát thường xuyên, từ đó chấn chỉnh kịp thời những bất cập để người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng để hoàn thiện cơ chế, chính sách, các biện pháp quản lý điều hành trên các lĩnh vực. Từ năm 2016 đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 376 văn bản quy phạm pháp luật (118 nghị quyết và 258 quyết định). Các sở, ngành tự kiểm tra 265 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 34 văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ kịp thời nhiều văn bản không còn phù hợp, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các địa phương được kiện toàn, chuẩn hóa, tiếp nhận 100% thủ tục hành chính và một số dịch vụ công cần thiết cho người dân. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã ban hành 1.718 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh có 1.393 thủ tục, cấp huyện có 246 thủ tục và cấp xã 79 thủ tục. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trong năm trung bình đạt 97%...
* Hướng đến tinh gọn và hiệu quả
Theo Sở Nội vụ, thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương, công tác sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được tỉnh chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan được xác định rõ ràng, khắc phục cơ bản tình trạng chồng chéo. Việc phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền và cơ quan hành chính nhà nước được đẩy mạnh, tăng cường trách nhiệm, phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 39 phòng chuyên môn trực thuộc các sở, ban, ngành, 4 chi cục và 44 đầu mối bên trong của chi cục, ban trực thuộc các sở, ban, ngành. Nhờ sắp xếp lại bộ máy hiệu quả, đến nay tỉnh đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; 38 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành; 39 đơn vị sự nghiệp cấp huyện; 1 đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, 17 đơn vị sự nghiệp y tế…
Công tác tinh giản biên chế được thực hiện quyết liệt, theo lộ trình đề ra. Đến nay, tỉnh đã thực hiện cắt giảm thêm 240 biên chế công chức, đảm bảo lộ trình đến năm 2021, tỉnh giản 10% biên chế so với năm 2015. Xác định vai trò đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC là khâu đột phá, những năm qua, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được chú trọng thực hiện; năng lực, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức được nâng cao một bước. Sở Nội vụ tiếp tục cải tiến thi tuyển công chức với phương pháp thi tuyển 2/3 môn thi trên máy vi tính, góp phần đảm bảo kết quả khách quan, công bằng.
Đi đôi với giao nhiệm vụ trong công tác CCHC, tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra công vụ, kiểm tra CCHC tại các đơn vị, địa phương. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh thực hiện 16 đợt thanh tra công vụ, 30 lần kiểm tra CCHC tại các đơn vị, địa phương. Trong năm 2018, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh tổ chức kiểm tra tất cả sở, ngành, UBND cấp huyện; các đơn vị, địa phương thực hiện 3.028 đợt kiểm tra công vụ, kết hợp kiểm tra CCHC. Nội dung tập trung kiểm tra công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, tư pháp, đăng ký kinh doanh, xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC…
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã đề nghị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 232 cán bộ, công chức, viên chức; phê bình, kiểm điểm 1.056 tập thể, cá nhân; đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý, chấn chỉnh những sai sót nhằm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, triển khai hiệu quả công tác CCHC tại các đơn vị, địa phương.
Công Nghĩa
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú:
Còn nhiều việc cần nỗ lực hơn nữa
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là TTHC, tỉnh sẽ chuẩn hóa cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó tập trung kiện toàn hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh, kiện toàn bộ phận một cửa của UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Cần tập trung đẩy mạnh chuẩn hóa các quy trình giải quyết TTHC và cấu hình trên phần mềm một cửa điện tử. Xây dựng và triển khai danh mục TTHC tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, xã. Tăng cường truyền thông, thông tin và có các giải pháp khuyến khích người dân nộp, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ công trực tuyến. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức trong phối hợp xử lý các nhiệm vụ chung, khắc phục tình trạng không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, địa phương.
Bí thư Đảng bộ xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) Nguyễn Thanh Hoàng:
Tăng cường kiểm tra giám sát
Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ được cấp ủy giao cho chính quyền thực hiện, tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát là vô cùng quan trọng, bởi giao việc mà không gắn với kiểm tra, giám sát có thể để lại nhiều hệ quả. Do đó, mỗi đồng chí là người đứng đầu trong cấp ủy phải thường xuyên dành thời gian trong các buổi họp giao ban để nghe báo cáo của chính quyền về công tác cải cách hành chính, TTHC, công tác tiếp dân. Nghe báo cáo xong là phải đi thực tế xem tinh thần phục vụ người dân như thế nào, có thực sự tốt như báo cáo không, hỏi trực tiếp người dân xem người dân đã thực sự hài lòng chưa.
Ở cấp xã tuy là cấp cuối, các TTHC tuy không quá phức tạp nhưng cũng rất cần tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết. Khi nào người dân còn chưa thực sự hài lòng về chính quyền trong giải quyết hồ sơ thủ tục là khi đó chúng ta chưa thực sự làm tốt bổn phận với nhân dân.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc):
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn
Nhờ nỗ lực của tỉnh đến huyện mà người dân và doanh nghiệp chúng tôi đã được tiếp cận với nhiều TTHC thuận lợi. Là doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao những thuận lợi về mặt TTHC, bởi chỉ cần một thủ TTHC thuận lợi thì doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, tiết kiệm số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, nếu gặp phiền hà khi TTHC ách tắc thì thiệt hại có thể không đo đếm được, có thể làm doanh nghiệp lao đao. Do đó, chúng tôi rất mong chính quyền tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở pháp luật cho phép để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là cách để chúng tôi góp phần vào sự phát triển chung của huyện, của tỉnh và của đất nước.
Đặng Công (ghi)