Tạo đột phá trong chính quyền số

6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh Ninh Thuận (GRDP) tăng 7,95% so cùng kỳ, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; công tác chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt, trong đó tạo đột phá trong chính quyền số, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 80,26%, vượt 10,26% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (70%)…

Đó là những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023 được báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI sáng nay, 19.7.

Cơ sở quyết sách khả thi, tạo động lực phát triển

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu nhấn mạnh những kết quả rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023; thẳng thẳn chỉ ra những hạn chế, khó khăn; đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh cần tập trung xem xét, bàn bạc, thảo luận, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục hiệu quả, tạo bước đột phá phát triển trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI. Ảnh: Thế Vương

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI. Ảnh: Thế Vương

Bên cạnh xem xét, quyết định những nội dung thường kỳ của kỳ họp giữa năm, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh sẽ xem xét: kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2022”. HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét và thông qua 38 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm đầy đủ về cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Một số cơ chế, chính sách làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; các chủ trương đầu tư dự án và điều chỉnh, cho ý kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh và phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023 vốn ngân sách địa phương…

Đại biểu dự kỳ họp

Đại biểu dự kỳ họp

Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 13 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, của Nhân dân, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu kỹ; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cụ thể, thẳng thắn, giúp HĐND tỉnh có cơ sở quyết nghị thông qua nghị quyết bảo đảm khả thi, sát đúng với tình hình thực tiễn, tạo động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới và tạo sự đồng thuận cao của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Theo chương trình kỳ họp, sẽ bố trí thời gian thỏa đáng để đại biểu thảo luận, chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt vấn đề thảo luận, chất vấn bảo đảm tập trung, thẳng thắn, dân chủ, đi đến cùng bản chất vấn đề; bằng sự công tâm, khách quan, trung thực và cả cái tâm, cái tầm, bản lĩnh của người đại biểu dân cử để làm rõ, tăng cường trách nhiệm các cơ quan nhà nước trong thực thi nhiệm vụ, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân.

GRDP đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại kỳ họp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại kỳ họp

Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, tỉnh đề ra phương châm hành động năm 2023: “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá với một số kết quả nổi bật như: tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 12.311 tỷ đồng, tăng 7,95% so cùng kỳ, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tập trung chỉ đạo, đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động cho sản phẩm giá trị cao, công nhận 4 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg). Công tác chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt, trong đó tạo đột phá trong chính quyền số, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 80,26%, vượt 10,26% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (70%).

Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan: tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa cao; trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương trong chấp hành chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh còn chưa nghiêm; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có việc còn chậm, chưa kịp thời; còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có việc còn chậm, chưa hiệu quả.

Tập trung đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch

Trình bày báo cáo Thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Minh Nam nhấn mạnh: Các Ban HĐND tỉnh cơ bản thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được UBND xác định, đồng thời, nhấn mạnh: cần tập trung tăng tốc, quyết liệt để thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã đề ra từ đầu năm, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá: tập trung đẩy nhanh đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; tập trung đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, thủy sản; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Minh Nam trình bày báo cáo Thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Minh Nam trình bày báo cáo Thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa làm động lực cho tăng trưởng như: du lịch, năng lượng, công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua cải thiện các chỉ số; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, lao động...

Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực, trọng điểm như: Dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, Cảng tổng hợp Cà Ná, dự án đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná, Tổ hợp hóa chất sau muối, thủy điện tích năng Bác Ái, Phước Hòa và các dự án năng lượng đã có trong quy hoạch điện VIII. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm; tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tiếp tục phối hợp với các tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động, sự kiện “Năm du lịch Quốc gia 2023”.

THÁI AN - THANH MAI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/ninh-thuan-tao-dot-pha-trong-chinh-quyen-so-i336600/