Tạo đột phá trong chuyển đổi số

Năm 2024 là năm thứ 3 Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 được tổ chức trên toàn quốc, với chủ đề 'Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động'.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện tháng, tuần lễ, ngày chuyển đổi số với những nội dung đa dạng, như: tổ chức Tháng tiêu dùng số, Tuần lễ tiêu dùng không dùng tiền mặt; phát triển và phổ cập Hạ tầng số ở cơ sở; thúc đẩy hoạt động Kinh tế số…

 Người dân tự thanh toán tiền mua sản phẩm

Người dân tự thanh toán tiền mua sản phẩm

Trong khi quá trình chuyển đổi số ở cấp Trung ương và nhiều bộ ngành diễn ra mạnh mẽ thì ở một số bộ ngành và nhiều địa phương vẫn đang “ì ạch”.

Đó là do người đứng đầu ở một số nơi đó chưa coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ ngành và địa phương.

Chỉ thị nêu rõ, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06, do Bộ Công an chủ trì xây dựng) là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trên cơ sở những kết quả thành công của Đề án 06, các bộ ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình, xây dựng một đề án về chuyển đổi số có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo thực hiện xong và thành công trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược, đề án liên quan.

Chuyển đổi số là công việc phải có quyết tâm, hành động quyết liệt, nhất là ở nhà lãnh đạo; đồng thời phải xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số. Các mũi đột phá tập trung vào phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh, theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Đề án chuyển đổi số của các bộ ngành và địa phương phải bảo đảm tính khả thi, triển khai ngay, dựa trên nhu cầu thực tiễn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành mà không cần sửa đổi thể chế và chính sách.

Trong đó, phân định rõ nhiệm vụ của bộ ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo. Bảo đảm đồng bộ với các chương trình, chiến lược của quốc gia, ngành, lĩnh vực; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số để tối ưu nguồn lực triển khai.

Giải quyết được những vấn đề này, quá trình chuyển đổi số của các bộ ngành, địa phương mới có thể diễn ra mạnh mẽ, đồng bộ như kỳ vọng và những mục tiêu về Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia sớm thành hiện thực.

TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-post762903.html