Tạo đột phá trong công tác cán bộ
Xác định “cán bộ là gốc của mọi việc, công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; có ý nghĩa quyết định đến mọi sự thành công của cách mạng cả trước mắt và lâu dài”, ngày 2/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt Đề án đột phá về công tác cán bộ trong các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Đây là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Thực trạng về đội ngũ
Tính đến hết năm 2021, các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND tỉnh có 27.226 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động. Từ năm 2015-2021, toàn tỉnh đã cắt giảm gần 2.800 chỉ tiêu biên chế so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2015, hoàn thành mục tiêu giảm 10% theo yêu cầu tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
100% công chức cấp tỉnh và cấp huyện làm nhiệm vụ chuyên môn có trình độ đại học trở lên, trong đó, tỷ lệ sau đại học chiếm 45%; 100% công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đạt tiêu chuẩn điều kiện theo quy định; 90% công chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Từ tháng 11/2008 đến nay, UBND tỉnh đã thu hút được 42 bác sĩ, 13 dược sĩ đại học và 1 thạc sĩ ngành kỹ thuật. Ngoài ra, tỉnh cũng đã cử 119 bác sĩ, dược sĩ thi đỗ hệ chính quy các trường đại học y, dược đi đào tạo và thực hiện hỗ trợ toàn bộ học phí.
Công tác bồi dưỡng CBCCVC được tỉnh đặc biệt quan tâm, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 10 nghìn lượt CBCCVC được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng cơ cấu CCVC theo vị trí việc làm được các cấp, bộ, ngành phê duyệt…
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay, công tác cán bộ của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu chưa phản ánh đúng thực chất; còn tình trạng CBCCVC chưa lượng hóa bằng sản phẩm, công việc cụ thể và lấy kết quả công tác làm thước đo để đánh giá; các trường hợp yếu kém về năng lực có lúc, có nơi chậm được thay thế.
Công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương, chất lượng quy hoạch chưa cao.
Công tác đào tạo bồi dưỡng thiếu toàn diện, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực tiễn, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường, cá biệt có trường hợp thiếu tiêu chuẩn điều kiện.
Việc luân chuyển ngang giữa các địa phương, đơn vị cùng cấp còn hạn chế; chủ trương thu hút nhân tài, người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu…
Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trên, tạo đột phá trong công tác cán bộ, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã ký quyết định phê duyệt Đề án đột phá về công tác cán bộ trong các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, tập thể lãnh đạo và thủ trưởng cơ quan về công tác cán bộ; sửa đổi, bổ sung ban hành mới các quy định về công tác cán bộ, tạo sự đồng bộ liên thông và thống nhất; bố trí sử dụng biên chế tiết kiệm, hiệu quả; không giao biên chế cho các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi hoàn toàn.
Hằng năm, dành 10-15 chỉ tiêu công chức và 10% chỉ tiêu viên chức được giao chưa sử dụng để tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận đối với nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định 140 của Chính phủ, Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh.
Tăng chỉ tiêu tuyển dụng CCVC bằng hình thức thi tuyển và thu hút nhân tài, giảm số lượng tuyển dụng bằng hình thức sát hạch, góp phần phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức cấp xã, viên chức cùng phạm vi tuyển dụng trên toàn tỉnh theo hướng tổ chức chung một số khâu như thi cùng ngày, đề thi chung để đảm bảo chất lượng.
Tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo, nhất là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ theo hướng thực chất; thực hiện nghiêm nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, cơ bản phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, nhất là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp; đổi mới công tác quy hoạch cán bộ theo hướng thực chất; mạnh dạn đưa vào quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt các cấp những cán bộ trẻ, có phẩm chất, đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, khẳng định được năng lực qua thực tiễn công tác.
Kiên quyết không xem xét, đề bạt bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện; quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định; đặc biệt kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tập trung, thiếu quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức kỷ luật, không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
Tỉnh chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị ban hành quy chế đánh giá, xếp loại CBCCVC theo quý, đánh giá bằng sản phẩm, theo tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc thù của mỗi đơn vị; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…