Tạo đột phá từ hệ thống giao thông đồng bộ

Ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chính là một trong những khâu đột phá lớn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến cao tốc đi qua địa bàn Đồng Nai vừa hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến chính vào cuối tháng 4-2023. Ảnh: P.TÙNG

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến cao tốc đi qua địa bàn Đồng Nai vừa hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến chính vào cuối tháng 4-2023. Ảnh: P.TÙNG

Đồng Nai nằm ở trung tâm vùng Đông Nam bộ, là cửa ngõ kết nối vùng với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế.

Phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng

Đồng Nai nằm trong tứ giác phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 3 địa phương nữa là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng thông qua kết nối đa phương tiện như: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tới đây sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Chính vì vậy, vị trí địa lý chính là một trong những điểm mạnh của Đồng Nai trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo liên danh đơn vị lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có mạng lưới đường sắt đô thị kết nối từ Biên Hòa về Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch để tạo thành tứ giác kết nối các đô thị lớn của tỉnh với sân bay, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn.

Thế nhưng, những năm qua, hạ tầng, quy hoạch chưa theo kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu vận tải dẫn tới việc thường xuyên gây ra tình trạng quá tải ở các tuyến đường chính.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, trong xu thế phát triển hiện nay và sắp tới, sự phát triển của Đồng Nai không thể tách rời với liên kết vùng, đặc biệt là với các địa phương lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… “Không gian phát triển vùng sẽ đóng vai trò rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho hay, trong phương án phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh, mục tiêu đặt ra là xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh. Từ đó, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đối với đường bộ, sẽ hình thành các hành lang kết nối vùng dựa trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai đã, đang và sẽ được đầu tư xây dựng.

Cụ thể, đối với hành lang Bắc - Nam, đây là hành lang vùng, quốc gia. Hành lang quan trọng của cả nước sẽ do quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam đảm nhận. Trong khi đó, hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ đảm nhận vai trò kết nối Đồng Nai với các tỉnh Tây nguyên.

Việc kết nối Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ được đảm nhận bởi hành lang quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được đầu tư xây dựng. Tương tự, khi hoàn thành đầu tư xây dựng, hành lang cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cùng với quốc lộ 20 sẽ đảm nhiệm vai trò kết nối Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.

Riêng với tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM sẽ là tuyến kết nối giữa Đồng Nai với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và TP.HCM.

Đề xuất quy hoạch thêm các tuyến đường sắt đô thị, sân bay

Nằm trong mục tiêu hoàn thiện đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất bổ sung thêm các dự án phát triển mạng lưới đường sắt và hàng không.

Đối với giao thông đường sắt, đơn vị tư vấn nhận định đây là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng GT-VT. Đồng thời, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh phải được nâng cấp, hiện đại hóa đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I, đường đôi, khổ 1 ngàn mm, vận tốc bình quân đạt 80-90km/giờ với tàu khách và 50-60km/giờ đối với tàu hàng.

Đồng thời, đầu tư xây dựng mới đường sắt các tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km; tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, từ ga Thủ Thiêm, P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM và kết thúc tại ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có chiều dài khoảng 366km; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành với tổng chiều dài hơn 37km.

Đặc biệt, để giảm tải cho hệ thống đường bộ, Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho rằng, việc quy hoạch, đầu tư hệ thống đường sắt đô thị kết nối với TP.HCM, Bình Dương là rất cần thiết.

Trong dự thảo quy hoạch, mạng lưới đường sắt đô thị được đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến gồm: tuyến đường sắt đô thị ven sông Cái từ sân bay Biên Hòa kết nối tuyến metro số 1 tại khu quảng trường nhà ga tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh và tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Long Thành.

Đối với giao thông hàng không, ngoài Sân bay Long Thành đang được đầu tư xây dựng và Sân bay Biên Hòa được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng, Đồng Nai cũng sẽ nghiên cứu và xây dựng thêm sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại sông Đồng Nai, hồ Trị An.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202307/tao-dot-pha-tu-he-thong-giao-thong-dong-bo-3170482/