Tạo đột phá về nguồn lực giáo dục

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri bởi quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo liệu có khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay trong công việc và đời sống của giáo viên.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ còn mất cân đối, vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên diễn ra tại nhiều địa phương và chưa có đầy đủ quy định pháp luật để quản lý nhà giáo ngoài công lập.

Đáng lo ngại là chế độ, chính sách chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Giải pháp nào tạo động lực cho người dạy học vẫn là câu hỏi lớn đặt ra với các nhà quản lý và cơ sở giáo dục.

Năm 2023, đã có gần 2.000 ý kiến gửi về Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét lương, chế độ cho giáo viên do mức lương giáo viên thấp, bình quân ở mức 3,8 - 12,2 triệu đồng/tháng cùng một số phụ cấp. Lương thấp, áp lực công việc cao là một phần nguyên nhân dẫn đến 40.000 giáo viên bỏ việc trong 3 năm qua, trong bối cảnh cả nước thiếu hơn 110.000 giáo viên. Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, dẫn đến nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử, khiến nhà giáo không an tâm công tác, đồng thời không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Nhà giáo với những chính sách hỗ trợ nhà giáo được kỳ vọng không chỉ tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, mà còn tạo đột phá trong việc thu hút và “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục.

Cụ thể, chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo trong dự thảo Luật nêu rõ tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.

Các chuyên gia cho rằng, những quy định trong dự thảo Luật rất phù hợp, thể hiện quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Và muốn thu hút được những người có năng lực, tài năng để trở thành nhà giáo, thì Nhà nước phải có những chính sách, đãi ngộ gồm: bậc lương, nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Những chính sách đặc thù như hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật... cũng được ghi nhận sẽ tạo ra lực hút lớn để phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút được người có năng lực vào ngành giáo dục và ngăn chặn được hiện tượng “chảy máu chất xám” trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đề nghị, lao động trong lĩnh vực giáo dục khác biệt so với các đối tượng lao động khác; nhà giáo phải được cả xã hội quan tâm, tôn vinh nên dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn các chính sách tiền lương, trợ cấp và các chế độ đãi ngộ.

Cần phải khẳng định, nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao; vai trò của nhà giáo có tính chất quyết định để đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Dư luận kỳ vọng những quy định mới trong Luật Nhà giáo sẽ có những tác động tích cực đối với sự nghiệp giáo dục, trước mắt là tạo đột phá cho các cơ sở giáo dục thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dot-pha-ve-nguon-luc-giao-duc-post477925.html