Thuế quan Mỹ: Cú huých cho doanh nghiệp Việt tái cơ cấu thị trường
Thay vì bị động chờ chính sách thuế quan của Mỹ được áp dụng, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động thích ứng, mở rộng thị trường và xây dựng lại chiến lược phát triển.
Thành công với thị trường mới
Trong bối cảnh thị trường Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực đứng trước nguy cơ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng đi mới. Không đợi “nước đến chân mới nhảy”, việc mở rộng thị trường tại những khu vực tiềm năng như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông… được nhanh chóng triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meet More Cà phê Nông sản Việt Nam cho hay, tình hình đơn hàng tại thị trường Úc của doanh nghiệp tăng trưởng 30% trong năm nay. Đây là tín hiệu rất khả quan bởi thị trường Mỹ được dự đoán có thể giảm doanh số trong thời gian tới.
Ngoài Úc, Meet More tập trung đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và ghi nhận mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay. “Đây là những thị trường chúng tôi hướng đến trước khi chính sách Mỹ đưa ra, nhưng tình hình nền kinh tế thay đổi rất nhanh, hoạt động xúc tiến thị trường mới được doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ và đạt được kết quả tích cực tính đến thời điểm hiện tại”, ông Luận chia sẻ.

Nhiều thị trường mới được doanh nghiệp "khai phá".
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Việt Nam không đơn độc trong cuộc chơi toàn cầu. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã có mở ra cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác như với mức thuế ưu đãi và rào cản kỹ thuật thấp hơn.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, HAWA đã khảo sát ý kiến từ 50 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hiệp hội, cho thấy có tới 52% doanh nghiệp có thị trường chủ lực là Mỹ, chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp. Do đó, việc áp thuế của Mỹ thực sự là một cú sốc rất lớn đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây cũng là phép thử chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là cơ hội để bứt tốc thông qua hoạt động mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc và gia tăng sức chống chịu nội tại. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế của các nền kinh tế lớn. Đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn ESG và chất lượng hàng hóa, từ đó tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Ông Trần Lam Sơn, Phó chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ thương mại gỗ Thiên Minh thông tin, những năm vừa qua, trong khi nhiều doanh nghiệp ồ ạt chuyển sang thị trường Mỹ và ghi nhận mức phát triển mạnh, doanh nghiệp vẫn cố gắng phát triển song song thông qua việc giữ ổn định thị trường châu Âu.
“Đến nay, khi thị trường Mỹ gặp nhiều tác động, Thiên Minh tăng cường mở rộng thị phần tại EU. Nhờ đó, chúng tôi ghi nhận số lượng đơn hàng rất tốt, chiếm 60-70% trong tổng lượng hàng xuất khẩu của Thiên Minh, giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro trong thời gian tới”, ông Sơn chia sẻ.

Theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp về sau phải tăng tính minh bạch, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ.
Tăng tính minh bạch cho hàng hóa
Chia sẻ tại hội thảo “Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia phân tích các kịch bản có thể xảy ra sau đàm phán và khuyến nghị, doanh nghiệp phải tăng tính minh bạch, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ, trách nhiệm giải trình rõ ràng của doanh nghiệp, địa phương, cơ quan bộ ngành…
"Đây là giải pháp căn cơ để chúng ta giải quyết thách thức này trong thời gian tới. Đồng thời doanh nghiệp cần tăng sức mạnh nội lực để đảm bảo có sức chịu đựng tốt hơn hiện tại và trong thời gian sắp tới”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam cũng là một “hồi chuông cảnh tỉnh” về vấn đề minh bạch nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng khả năng chống chịu.
“Ngành dệt may đang đặt mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa từ khoảng 40% lên 60% để giảm thiểu các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất”, ông Việt chia sẻ.
Có thể nói, dù chính sách thuế quan của Mỹ còn chờ thời gian trả lời, nhưng sự chủ động và thích ứng của doanh nghiệp Việt hôm nay sẽ là nền tảng để vững vàng để đối phó với những chuyển biến khó lường trong thời gian tới.