Tạo dựng thương hiệu lễ hội
Từ lâu, vùng cây trái Lái Thiêu đã nổi tiếng khắp nơi với nhiều trái cây đặc sản, như: Măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon... Có lẽ, thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên một hương vị rất riêng cho những loại trái cây nơi đây. Những ai đã từng thưởng thức trái cây của xứ Lái Thiêu đều có cảm nhận khó quên về hương vị rất đặc trưng của nó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có một thời gian, chất lượng vườn cây nơi này đã bị sụt giảm đáng kể, du khách cũng vì thế ít đến đây hơn.
Nhằm tạo dựng lại thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” nổi tiếng trước đây, thời gian qua, chính quyền các cấp cùng với các ngành chức năng đã có những biện pháp khôi phục lại vườn cây, trong đó có việc tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”. Giống như tên gọi của nó, lễ hội được tổ chức vào mùa trái cây chín. Như một lời hẹn ước, những vườn cây cho trái chín vào mùa này ở vùng đất Lái Thiêu lại rộn tiếng cười của người nông dân thu hoạch và bước chân du khách tìm về. Ngoài cung cấp những loại trái cây đặc sản phục vụ nhu cầu thị trường, những vườn cây thơm mùi trái chín nơi đây còn rất tiềm năng để khai thác phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
Thực tế thời gian qua, một số nhà vườn nơi đây cũng có hướng phát triển theo hướng du lịch, nhưng so với số lượng vườn cây trên địa bàn vẫn còn rất ít và họ làm theo kiểu tự phát là chính. Trái ngon, quả ngọt của vùng đất này đã có tiếng vang từ xưa, điều còn lại là cùng bắt tay vào làm để “biến” những vườn cây, những trái cây đặc sản vùng đất này thành sản phẩm phục vụ du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương.
Việc tạo dựng được thương hiệu “lễ hội miễn phí” của Lễ hội Rằm tháng giêng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một thời gian qua là kết quả vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức thực hiện của người dân địa phương. Với lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” cũng vậy, để xây dựng được thương hiệu, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm rồi, cái còn lại là sự đồng lòng của người dân. Các nhà vườn nên tính đến việc cùng nhau làm du lịch, chứ không nên “mạnh ai nấy làm”, bởi khi liên kết với nhau sẽ tạo nên sự đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phục vụ cũng như làm cho sản phẩm phục vụ của mình trở nên phong phú, chất lượng hơn. Lúc đó, ắt sẽ thu hút được du khách đến với mình, giúp mỗi nhà vườn tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương phát triển.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tao-dung-thuong-hieu-le-hoi-a296964.html