Tạo hành lang pháp lý để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Để khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tạo hành lang pháp lý phù hợp, thông qua việc ban hành, sửa đổi các luật liên quan.
Lợi thế so sánh từ tài nguyên văn hóa
Tại nhiều nước trên thế giới, cụm từ công nghiệp văn hóa (CNVH) đã không còn xa lạ, mà trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Ở một số quốc gia, CNVH thậm chí là ngành “hái ra tiền”, đem về nhiều ngoại tệ khi xuất khẩu sang các quốc gia khác. Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, sau 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; đến năm 2022 là 4,04%.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, CNVH gồm 4 yếu tố cơ bản là tài năng sáng tạo, tiềm năng, tài sản văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Trong 4 yếu tố này, điểm đặc biệt của CNVH ở Việt Nam chính là lợi thế so sánh từ tài nguyên văn hóa. Đây cũng chính là điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, người Việt Nam là một dân tộc thông minh, yêu thích khám phá, sáng tạo. Chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và trong lĩnh vực nào cũng có người Việt Nam tài năng, được thế giới ghi nhận. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, đóng góp của các ngành CNVH vào nền kinh tế quốc dân thời gian qua là rất đáng kể. Điều này chứng minh rằng, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển các ngành CNVH là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoài Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số “điểm nghẽn”, rào cản đối với việc phát triển các ngành CNVH. Đó là nhận thức chưa hoàn toàn đúng đắn, đầy đủ về phát triển các ngành CNVH. Theo đó, ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người vẫn coi CNVH là một lĩnh vực thuần túy kinh tế, ít chứa đựng giá trị văn hóa, chạy theo đồng tiền, nên coi nhẹ các sản phẩm văn hóa, không định hướng, thậm chí buông lỏng quản lý. Ngược lại, có nơi, có lúc, có người lại “dị ứng” với phát triển CNVH, coi văn hóa là lĩnh vực đặc biệt, cần lánh xa sự chi phối của kinh tế thị trường. “Cả hai điều này cần phải được nhận thức lại, thống nhất rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt. Vì thế, nó vừa phải theo đúng quy luật của thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, nhưng vừa phải được điều tiết theo những giá trị đạo đức, nhân văn của văn hóa”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, thể chế, chính sách, luật pháp cũng chưa hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của CNVH. Phân tích, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, dù đã có chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng hệ thống các chính sách và luật pháp liên quan đến CNVH còn thiếu nhiều, không chỉ là các luật liên quan đến cả 12 ngành CNVH, mà còn ở cả các luật có liên quan gián tiếp nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng đến phát triển CNVH như đất đai, thuế, phí, hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công, tài trợ và hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa...
Về nguồn lực, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng so với nhu cầu của thị trường và so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguồn lực tài chính của cả Nhà nước và khu vực tư nhân, xã hội hỗ trợ cho văn hóa chưa tương xứng với nhu cầu phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng. Nguồn nhân lực cho CNVH cũng còn thiếu đào tạo bài bản, thiếu các kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu…
Khẳng định sức mạnh và giá trị Việt Nam
Để khơi thông nguồn lực phát triển các ngành CNVH, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trước hết phải bắt đầu từ việc nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của các ngành CNVH trong sự phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, cần tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển các ngành CNVH. “Điều này nên xuất phát từ việc tạo ra hành lang pháp lý phù hợp qua việc ban hành, sửa đổi các luật theo hướng thúc đẩy các ngành CNVH phát triển. Cả những luật trực tiếp liên quan đến 12 ngành CNVH, lẫn các luật gián tiếp như đất đai, thuế, phí, đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công hay luật hiến tặng và bảo trợ cho văn hóa...”, ông Sơn nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố then chốt nhất - chính là nguồn lực cho văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng kiến nghị cần phát triển thị trường nghệ thuật, có những chính sách đãi ngộ tốt để người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề của mình, toàn tâm, toàn ý cho sáng tạo, từ đó thu hút được người tài đến với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, cần xây dựng một số thương hiệu cho các ngành CNVH Việt Nam, từ đó tạo đòn bẩy cho quá trình hợp tác quốc tế, tạo môi trường kích thích sáng tạo, đam mê đối với sự phát triển các ngành CNVH trong toàn xã hội.