Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển

Theo đại biểu Quốc hội, sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cần tạo hành lang pháp lý thực sự đồng bộ, minh bạch và công bằng, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển đúng hướng, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)

Cần ưu đãi rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp tại khu vực khó khăn

Sáng 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) kiến nghị, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này cần bổ sung nội dung hạ độ tuổi cá nhân được phép tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp từ đủ 18 tuổi xuống còn đủ 16 tuổi.

Lý giải cho đề xuất này, ông cho biết, theo hệ thống pháp luật hiện hành, người dưới 16 tuổi mới được coi là trẻ em, do đó từ 16 tuổi trở lên không còn nằm trong diện này. Về độ tuổi lao động, luật cũng cho phép người từ đủ 15 tuổi đã có thể tham gia lao động.

Về năng lực hành vi dân sự, mặc dù người chưa đủ 18 tuổi chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự đã cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình xác lập và thực hiện giao dịch dân sự, trừ một số trường hợp đặc biệt như quyền sử dụng đất hay tài sản phải đăng ký.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình). (Ảnh: BÙI GIANG)

Từ đó, đại biểu Hiếu lập luận rằng, nếu người từ đủ 16 tuổi có tiền, họ hoàn toàn có quyền sử dụng số tiền đó để góp vốn thành lập doanh nghiệp, thay vì bị giới hạn quyền chỉ vì chưa đủ 18 tuổi.

Ông cũng nêu thí dụ thực tiễn: Một học sinh cấp 2 có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, không theo đuổi con đường học nghề hoặc đại học, mong muốn kinh doanh nhỏ như mở quán trà sữa, thì hoàn toàn nên được pháp luật công nhận quyền góp vốn và thành lập doanh nghiệp.

"Đề xuất này là phù hợp, bảo đảm tuân thủ và tương thích với các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam", đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan các chính sách đối với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị cần bổ sung quy định ưu đãi rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực khó khăn, vùng miền núi và nơi có đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông nhấn mạnh rằng, các hiệp định thương mại quốc tế dù có thể không quy định cụ thể nhưng đều thừa nhận tính hợp pháp của việc ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp ở vùng khó khăn, doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ, miễn là không vi phạm quy định về cạnh tranh.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đây là một điểm thuận lợi quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nếu biết khai thác khôn khéo, chúng ta có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam, vừa vượt qua rào cản thuế quan, vừa không bị khiếu kiện về cạnh tranh không công bằng.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc hỗ trợ hiện nay vẫn thiếu khung pháp lý tổng thể, chưa đủ mạnh. Việc chỉ đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa hay Luật Hợp tác xã là chưa đủ, vì doanh nghiệp lớn ở vùng khó khăn cũng rất cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng.

Thực tế, doanh nghiệp ở khu vực miền núi, khó khăn đang gặp rất nhiều trở ngại và không thể tự bù đắp được các thiếu hụt do điều kiện địa lý, hạ tầng và nguồn lực gây ra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần có một điều khoản riêng trong Luật Doanh nghiệp quy định về ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nên giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn chi tiết, bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả trên thực tế.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trước 2026

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). (Ảnh: BÙI GIANG)

Về mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nhấn mạnh rằng, dự thảo luật chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là nội dung trọng tâm được xác định trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, yêu cầu rõ ràng việc chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán trước năm 2026.

Hiện nay, với hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp, được ưu đãi bất hợp lý về thuế, chế độ kế toán và xử phạt, dẫn đến sự thiếu công bằng trong chính nội bộ khu vực tư nhân.

“Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán doanh nghiệp, nhưng có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỷ đồng lại chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp. Đây là vấn đề bất cập, cần được xử lý”, đại biểu nêu thực tế.

Cùng với đó, doanh nghiệp tư nhân – mô hình không có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn – đang tạo ra nhiều vướng mắc trong áp dụng các quy định chung của luật, vốn được thiết kế theo logic của các công ty có tư cách pháp nhân.

“Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được phân chia thành 2 nhóm: Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, gọi chung là công ty, và doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân. Cách phân loại này vừa thiếu nhất quán, vừa gây bất cập trong áp dụng pháp luật. Nhiều quy định chung trong luật được thiết kế theo logic của công ty lại không phù hợp với bản chất doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến tình trạng một số quy định trở nên quá lỏng lẻo với công ty, nhưng lại quá ràng buộc với doanh nghiệp tư nhân”, đại biểu phân tích.

Từ thực trạng trên, bà Hà kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trước năm 2026, gắn với việc xóa bỏ chế độ thuế khoán, đúng tinh thần Nghị quyết 68.

Ngoài ra, nữ đại biểu cũng đề xuất ban hành một Luật Doanh nghiệp tư nhân mới để điều chỉnh riêng nhóm hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân hiện tại, áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ.

Theo đó, luật này cần được thiết kế theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, bảo đảm công bằng và minh bạch

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị tách riêng doanh nghiệp tư nhân ra khỏi Luật Doanh nghiệp hiện hành, đổi tên thành Luật Công ty, nhằm tránh áp dụng một khung pháp lý chung cho hai mô hình hoàn toàn khác biệt về tư cách pháp nhân và trách nhiệm tài sản.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, Luật Doanh nghiệp đã trải qua nhiều lần sửa đổi, ban hành mới trong các năm 1999, 2005, 2014, 2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên việc sửa đổi diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị xác định rõ ràng kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng.

Vì vậy, bà Hà khẳng định, đây chính là thời điểm đặc biệt quan trọng, là cơ hội “vàng” để hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, minh bạch và bình đẳng.

Làm rõ phạm vi viên chức được tham gia doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ rằng, mặc dù Luật Doanh nghiệp hiện nay chưa điều chỉnh đối tượng là hộ kinh doanh, nhưng việc thúc đẩy khu vực này chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp là một định hướng lớn.

Ông cho biết, năm 2020, Chính phủ từng trình Quốc hội đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, song không được thông qua do chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Hộ kinh doanh, nhằm xác lập mô hình pháp lý, tổ chức và điều kiện hoạt động rõ ràng cho khu vực này, bên cạnh các luật hiện có như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết đã có các biện pháp như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới thành lập, hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thủ tục kế toán, thuế, lao động...

Song song, Nhà nước sẽ siết chặt quản lý với hộ kinh doanh, tiến tới bỏ thuế khoán, yêu cầu kê khai và xuất hóa đơn theo doanh thu thực tế - tương tự doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo động lực để hộ kinh doanh thấy rõ lợi ích khi chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về nội dung viên chức tham gia góp vốn, điều hành doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội đã cho phép viên chức tại các tổ chức khoa học công nghệ công lập và cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này bổ sung quy định tương ứng tại Điều 17, nhằm thể chế hóa đối với nhóm viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập, vốn chưa được nêu trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy, theo Bộ trưởng, hai dự thảo luật này bổ sung cho nhau, không trùng lặp.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị mở rộng tiếp sang viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nội dung này, theo ông Thắng, đang được thí điểm trong Luật Thủ đô và sẽ được tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở tổng kết thực tiễn để bảo đảm "những gì đã rõ, đã chín mới đưa vào luật, còn chưa rõ, chưa chín tiếp tục thí điểm".

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-dong-bo-minh-bach-thuc-day-khu-vuc-tu-nhan-phat-trien-post881068.html