Tạo hành lang pháp lý, quản chặt hoạt động vận tải nội bộ

Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ trong đó có nhiều quy định riêng quản lý hoạt động vận tải nội bộ.

Không sử dụng xe nội bộ để kinh doanh vận tải

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định rõ: Đơn vị hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động vận tải nội bộ; thực hiện chế độ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện đúng quy định; kiểm tra điều kiện ATGT của xe và lái xe ô tô trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển; kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trên hành trình.

Bộ GTVT đề xuất đơn vị vận tải nội bộ cũng phải xây dựng quy định đảm bảo công tác quản lý ATGT (ảnh minh họa).

Bộ GTVT đề xuất đơn vị vận tải nội bộ cũng phải xây dựng quy định đảm bảo công tác quản lý ATGT (ảnh minh họa).

Cùng đó, phải đảm bảo quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, thời gian nghỉ của người lái xe. Cấp thẻ nhận dạng lái xe cho lái xe của đơn vị theo quy định.

Đơn vị vận tải nội bộ cũng phải xây dựng quy định đảm bảo công tác quản lý ATGT; Cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe.

Đáng chú ý, Dự thảo nêu rõ chỉ được sử dụng xe để vận chuyển cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên hoặc trẻ em mầm non của đơn vị mình (đối với vận tải người nội bộ). Hoặc vận chuyển hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức thực hiện sản xuất hoặc vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu, các động sản khác phục vụ cho hoạt động của đơn vị mình (đối với vận tải hàng hóa nội bộ).

Đơn vị vận tải và lái xe không sử dụng xe ô tô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi. Không sử dụng xe ô tô chở người có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V miền núi, VI miền núi.

Đặc biệt, không được sử dụng xe có phù hiệu "XE NỘI BỘ" để kinh doanh vận tải hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức.

Không được sử dụng người lái xe đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật; không sử dụng lái xe có dưới 2 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để điều khiển xe có giường nằm hai tầng.

Đồng thời, phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối với vận tải hàng hóa nội bộ, đơn vị vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định; phải cấp cho lái xe Giấy vận tải trước khi vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải phải có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải nội bộ; biển kiểm soát xe; hành trình vận chuyển (điểm đầu, điểm cuối); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe.

Xe vận tải nội bộ phải có phù hiệu "XE NỘI BỘ" và không được sử dụng để kinh doanh vận tải (ảnh minh họa).

Xe vận tải nội bộ phải có phù hiệu "XE NỘI BỘ" và không được sử dụng để kinh doanh vận tải (ảnh minh họa).

Siết quản lý, đảm bảo an toàn giao thông

Theo tìm hiểu của PV, vận tải nội bộ được quy định tại Nghị định số 86/2014. Xe vận tải nội bộ được cấp giấy phép kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Đơn vị vận tải nội bộ có bộ phận theo dõi ATGT, quản lý hoạt động vận tải người, hàng hóa.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 được ban hành, nội dung liên quan đến xe vận tải nội bộ không còn được đề cập nữa.

Trong khi đó, thống kê cho thấy hiện có gần 400.000 phương tiện vận tải nội bộ. Có 15-20% trong tổng số phương tiện vận tải hàng hóa thuộc các doanh nghiệp, nhà máy, các đơn vị thi công công trình đang sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình do đơn vị mình sản xuất, thi công.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải các Sở GTVT địa phương, việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý xe vận tải nội bộ đã xảy ra nhiều bất cập, tình trạng xe chở quá tải, lái xe sử dụng các chất gây nghiện vẫn còn diễn ra.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, xe vận tải nội bộ hiện nay chỉ cần đăng ký, đăng kiểm là lưu hành, dẫn đến khó quản lý.

Do đó, việc luật hóa quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô cũng như những đề xuất quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị vận tải, của lái xe vận tải nội bộ, về phương tiện sử dụng trong hoạt động vận tải như dự thảo Nghị định là rất cần thiết.

Đây là cơ sở, căn cứ để các đơn vị có xe vận tải nội bộ, lái xe thực hiện, chấp hành. Qua đó, siết chặt quản lý loại hình vận tải này, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-quan-chat-hoat-dong-van-tai-noi-bo-192240926170818658.htm