TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THÚC ĐẨY LĨNH VỰC MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH PHÁT TRIỂN CHUYÊN NGHIỆP
Tại hội thảo khoa học 'Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định EVFTA VÀ CPTPP' do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 4/4, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH HÀNG HÓA TƯƠNG LAI
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Đại học Luật Hà Nội cho biết, các giao dịch hàng hóa tương lai diễn ra trên thị trường phi tập trung chủ yếu được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự, có các đặc trưng khác với các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giao ngay thông thường. Đối với các giao dịch hàng hóa tương lai diễn ra trên thị trường tập trung, gọi là mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005, NĐ158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, NĐ51/2018/NĐ-CP ngày 9/04/2018 sửa đổi bổ sung 1 số điều của NĐ158/2006/NĐ-CP.
Tại khoản 1 điều 63 Luật Thương mại 2005, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua sở giao dịch hàng hóa theo những tiêu chuẩn của sở giao dịch hàng hóa với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.
Theo TS. Nguyễn Thị Yến, Luật mua bán hàng hóa tương lai hay Luật về Sở giao dịch hàng hóa (luật chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại) chỉ quy định những vấn đề liên quan đến nội dung của quan hệ mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Cụ thể, pháp luật về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa gồm các nội dung như: Quy định về sở giao dịch hàng hóa; quy định về các chủ thể tham gia giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa; Quy định về các hợp đồng có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa; Quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa;…
Nhấn mạnh giao dịch hàng hóa tương lai có lịch sử phát triển khá lâu, nhưng giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa vẫn rất mới và chưa phát triển ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Yến lưu ý, pháp luật về giao dịch hàng hóa tương lai qua sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam chưa phát huy hiệu quả điều chỉnh, trong khi đối với thế giới, pháp luật về hoạt động này đã đầy đủ và đồng bộ. Do đó, TS. Nguyễn Thị Yến kỳ vọng, tới đây hoạt động giao dịch này sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, kéo theo Luật điều chỉnh cũng phát huy tính hiệu quả thi hành trong thực tiễn.
Nêu quan điểm về nội dung này, Ths. Vũ Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, để hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả và đóng góp ngày nhiều cho nền kinh tế, cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.
Chỉ ra những bất cập hiện nay, Ths. Vũ Thu Thủy nêu rõ, do được ban hành cũng đã khá lâu, đồng thời thị trường giao dịch hàng tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh nên một số thuật ngữ, khái niệm hoặc loại hợp đồng cơ bản có tính chất chi phối hoạt động này tại Luật Thương mại chưa được đề cặp hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, pháp luật về giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa chưa có quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa; …
Để hoàn thiện khung hành lang pháp lý, Ths. Vũ Thu Thủy kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 quy định hoạt động giao dịch, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Đồng thời, xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP.
Cũng theo Ths. Vũ Thu Thủy cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, cơ chế (chế độ thuế, phí, lệ phí …) để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ bảo hiểm giá nguyên liệu, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong việc lựa chọn công cụ và biện pháp phòng ngừa rủi ro từ các biến động thị trường.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhấn mạnh, cần đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, lưu ý hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Góp ý vào nội dung này, một số ý kiến chuyên gia tại Hội thảo cũng đề nghị: Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ Thông tư 40/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của các ngân hàng thương mại; Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm trong giao dịch, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020; Hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử;… /.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74567