Tạo khung pháp lý đồng bộ, thúc đẩy quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Sáng nay (6/5), Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dự án Luật được kỳ vọng tạo khung pháp lý đồng bộ, thúc đẩy quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, với việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chỉ thị số 38-CT/TW, dự án Luật không chỉ khắc phục những bất cập sau 17 năm thực thi mà còn đưa ra các cơ chế đột phá như ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia và phân cấp quản lý, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP... Sau gần 17 năm thực thi, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, đồng thời thúc đẩy các hoạt động tôn vinh như Giải thưởng chất lượng quốc gia. Tuy nhiên, những hạn chế về xác định sản phẩm nhóm 2, kiểm tra chất lượng, ứng dụng công nghệ và phân cấp quản lý đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi để đáp ứng thực tiễn và cam kết quốc tế.

Trước hết, dự án Luật tập trung đổi mới việc xác định và quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 - những sản phẩm có khả năng gây mất an toàn. Hiện nay, việc xác định danh mục nhóm 2 còn thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, dẫn đến vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý.

Dự thảo đề xuất quy định cụ thể nguyên tắc xác định sản phẩm nhóm 2 dựa trên mức độ rủi ro, bao gồm các yếu tố như bản chất hóa học, vật lý, sinh học, kết cấu, nguyên lý hoạt động, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng. Sản phẩm rủi ro cao sẽ áp dụng biện pháp tiền kiểm trước thông quan, trong khi sản phẩm rủi ro trung bình và thấp chuyển sang hậu kiểm hoặc tự công bố hợp quy, giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Quy định này không chỉ đơn giản hóa quy trình mà còn đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu trong Hiệp định CPTPP về giảm rào cản kỹ thuật thương mại.

Song song đó, dự án Luật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng xu hướng chuyển đổi số và yêu cầu tại Chỉ thị số 38-CT/TW. Các khái niệm mới như mã số, mã vạch, nhãn điện tử, hộ chiếu số sản phẩm và truy xuất nguồn gốc được bổ sung, tạo nền tảng pháp lý cho việc định danh, mã hóa và trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi cung ứng. Việc triển khai mã số, mã vạch trên các nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT và AI sẽ giúp doanh nghiệp giám sát chất lượng, truy tìm nguyên nhân sự cố, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm. Đặc biệt, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia sẽ tích hợp dữ liệu chỉ dẫn địa lý, bản đồ trực tuyến, tăng cường minh bạch và uy tín cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần ngăn chặn gian lận xuất xứ trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.

Việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là một điểm nhấn quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Dự thảo bổ sung khái niệm NQI, bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận và giám sát thị trường, nhằm nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII) của Việt Nam, hiện đứng thứ 52 với 71,28 điểm theo xếp hạng năm 2023. Các quy định mới khuyến khích đầu tư vào tổ chức thử nghiệm kiểm chứng, đào tạo chuyên gia đánh giá sự phù hợp và thừa nhận kết quả đánh giá giữa các bộ, ngành, giảm lãng phí và tăng hiệu quả quản lý. Những thay đổi này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do về thừa nhận lẫn nhau và đánh giá sự phù hợp.

Dự án Luật cũng tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý chất lượng, phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác xây dựng pháp lý. Thay vì phân công trách nhiệm quản lý đến từng sản phẩm cụ thể, dự thảo quy định các nguyên tắc chung và giao Chính phủ chi tiết hóa, đảm bảo linh hoạt và thống nhất. Đồng thời, các quy định về kiểm soát viên chất lượng được sửa đổi, cho phép sĩ quan lực lượng vũ trang tham gia và giảm yêu cầu về tỷ lệ kiểm soát viên trong đoàn kiểm tra, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại địa phương. Việc bổ sung quy định quản lý chất lượng trong thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù như Halal, AI cũng thể hiện sự bao quát, đáp ứng xu hướng phát triển mới.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục

Giải thưởng chất lượng quốc gia được định hướng trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, với các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về điều kiện, thủ tục xét tặng và cơ chế khuyến khích. Tuy nhiên, để giải thưởng thực sự lan tỏa, cần đẩy mạnh truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đạt giải, đồng thời mở rộng đối tượng xét tặng sang cá nhân và tổ chức ngoài doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính đồng bộ, dự thảo đã rà soát 88 luật, pháp lệnh liên quan, phát hiện 14 văn bản có nội dung chồng chéo, tập trung vào khái niệm, quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp và truy xuất nguồn gốc. Các quy định về phí, lệ phí được bãi bỏ để thống nhất với Luật Phí và lệ phí, đồng thời các điều khoản về xử lý vi phạm hành chính được điều chỉnh theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Những thay đổi này không chỉ tăng tính khả thi mà còn đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế như WTO/TBT và các hiệp định thương mại tự do.

Thẩm tra Dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy đã đề xuất nhiều nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và phù hợp thực tiễn.

Dự án Luật chuyển đổi phương thức quản lý chất lượng theo mức độ rủi ro, thay vì phân loại cứng nhắc thành nhóm 1 và nhóm 2. Ủy ban KH,CN&MT đề xuất phân loại sản phẩm theo rủi ro thấp, trung bình, cao, dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), cảnh báo quốc tế và năng lực quản lý nhà nước. Sản phẩm rủi ro cao áp dụng tiền kiểm, trong khi sản phẩm rủi ro thấp chuyển sang hậu kiểm hoặc tự công bố hợp quy, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc quản lý chuyên ngành, giao Chính phủ chi tiết hóa để đảm bảo linh hoạt và thống nhất.

Ứng dụng công nghệ số được nhấn mạnh, với các khái niệm mới như nhãn điện tử, hộ chiếu số sản phẩm và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia. Ủy ban KH,CN&MT đề xuất làm rõ phạm vi bắt buộc và tự nguyện áp dụng công nghệ, quy định sản phẩm phải sử dụng nhãn điện tử hoặc truy xuất nguồn gốc, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua nền tảng số chung để giảm chi phí. Việc tích hợp Blockchain, IoT và AI sẽ tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp giám sát chất lượng và người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm.

Về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), dự thảo xác định đây là hệ sinh thái gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận và thử nghiệm. Ủy ban KH,CN&MT đề xuất chuyển toàn bộ quy định về NQI từ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sang dự án Luật này, làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Các chính sách khuyến khích đầu tư vào tổ chức thử nghiệm kiểm chứng, đào tạo chuyên gia và thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá giữa các bộ, ngành cũng được đề xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dự án Luật tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, đặc biệt đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch hoặc lô hàng nhỏ. Ủy ban KH,CN&MT đề xuất bổ sung quy định về trình tự miễn kiểm tra, phân biệt hàng phi mậu dịch và biên mậu, đồng thời làm rõ trách nhiệm kiểm tra hàng xuất khẩu. Về xử lý vi phạm, Ủy ban đề xuất tăng cường hậu kiểm, công khai danh sách vi phạm và áp dụng chế tài mạnh hơn, như thu hồi sản phẩm, đình chỉ hoạt động, để bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao tính răn đe.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tao-khung-phap-ly-dong-bo-thuc-day-quan-ly-chat-luong-san-pham-hang-hoa-163748.html