Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đã được cộng đồng doanh nghiệp xem là động lực quan trọng, nhất là kỳ vọng về một môi trường kinh doanh bình đẳng, từ đó có thêm nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nghị quyết số 68-NQ_TW giúp doanh nghiệp tiếp cận công bằng với các nguồn lực phát triển về vốn, đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: H.D
Những gam màu sáng
Theo thông tin từ Sở Tài chính, trong tháng 4-2025, Gia Lai có 100 doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 360 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái), với số vốn đăng ký là 3.694 tỷ đồng (tăng 4,9%).
Cùng với đó, có 140 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,3%; nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 10.744 với số vốn 159.937 tỷ đồng.
Ông Lê Trọng Khôi-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ An Khang (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Năm 2025, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện giúp người dân dễ dàng lựa chọn hướng khởi nghiệp như: in theo yêu cầu, gia sư trực tuyến, thủ công mỹ nghệ, chăm sóc thú cưng, dịch vụ tư vấn, tổ chức sự kiện, dịch vụ chụp ảnh, tiếp thị kỹ thuật số, kinh doanh các sản phẩm mang tính bền vững, chăm sóc sức khỏe…
Việc thành lập doanh nghiệp cũng đơn giản hơn bao giờ hết. Trong quá trình hoạt động còn có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác… được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”.
Bên cạnh sự ra đời các doanh nghiệp mới, những doanh nghiệp cũ cũng có những bước tiến mới mạnh mẽ và bền vững hơn. Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mía của người dân kịp thời, hiệu quả, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi quyết định đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày và mở rộng, nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối An Khê từ 95 MW lên 135 MW với tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng. Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương, ngày 3-4 vừa qua, Dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày đã được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sự đồng hành của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển”.
Tuy vậy, những thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng không hề nhỏ. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay chính là chi phí để đầu tư hạ tầng, marketing; khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới và thiếu kênh phân phối hiệu quả; sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn lẫn tư duy đổi mới. Với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, áp lực về dòng tiền, khả năng duy trì vận hành và chuyển đổi số đang là những thách thức sống còn.
Tiếp tục thúc đẩy kinh tế tư nhân

Gia Lai nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ảnh: H.D
Ngày 25-4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kế hoạch đề ra 4 nhóm nội dung và giải pháp trọng tâm gồm: hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp thuộc tỉnh.
Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN được cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận. Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện tinh thần mới, tư duy đột phá về vai trò và tầm quan trọng của KTTN, đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Nghị quyết khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác”, thể hiện ở tất cả quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với KTTN như: quan điểm chỉ đạo xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; đánh giá đúng vai trò quan trọng của KTTN đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Ảnh: H.D
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhận định: Lần đầu tiên, KTTN được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã xác lập chủ trương ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế đối với vi phạm của doanh nghiệp trước khi xem xét giải pháp hình sự.
Giải pháp hình sự chỉ được thực hiện sau khi các biện pháp khắc phục kinh tế và bồi thường không đạt hiệu quả. Đây là điểm nhấn nổi bật của Nghị quyết, cùng với việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của KTTN đã tạo lập và củng cố niềm tin, giúp doanh nghiệp an tâm vận hành sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư phát triển trong môi trường tối giảm rủi ro pháp lý.
Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Tài chính: “Năm 2025, tỉnh nỗ lực cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đồng thời, chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Song song với đó là thúc đẩy triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới và các ngành, lĩnh vực mới nổi”.
“Nghị quyết cũng đề ra những định hướng, giải pháp giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận công bằng với các nguồnpml lực phát triển về vốn, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Về tiếp cận vốn, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, xem xét tài sản đảm bảo gồm tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai. Về lĩnh vực thuế, bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; đối với hoạt động nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế bằng 200% chi phí thực tế.
Chuyển từ quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, điều kiện kinh doanh…
Các doanh nghiệp tư nhân rất kỳ vọng Nghị quyết được thể chế hóa hiệu quả trong thực tế sẽ tạo ra hứng khởi, khát vọng và động lực thúc đẩy KTTN, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển không giới hạn, đóng góp cho địa phương và cả nước tiến vào giai đoạn thịnh vượng, bền vững”-ông Tuấn nhấn mạnh.