Tạo lực đẩy cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa bứt phá

Trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt cơ hội vàng để bước ra thị trường quốc tế, gia nhập sâu vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên để bứt phá, chính doanh nghiệp phải chủ động nâng cấp năng lực, tận dụng hiệu quả các chương trình kết nối và hỗ trợ từ chính quyền.

Cơ hội đến từ nhu cầu kết nối chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025 do Sở Công Thương TPHCM tổ chức mới đây, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, TTI, Bosch, ITO… đã chủ động tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam có năng lực phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng dài hạn. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm nhằm kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành có giá trị gia tăng cao như bán dẫn, cơ khí chế tạo, y tế, hàng không và điện tử.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, hiện Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các yêu cầu từ doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) và tổ chức thương mại nước ngoài về việc giới thiệu đơn vị cung cấp đủ năng lực.

“Mới đây, Tham tán thương mại Hoa Kỳ đề nghị chúng tôi khẩn trương giới thiệu các nhà cung ứng nội địa để chuẩn bị cho đoàn doanh nghiệp Mỹ sang tìm kiếm đối tác. Samsung đang thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nhà máy thông minh, còn Vinfast yêu cầu chúng tôi giới thiệu các doanh nghiệp vừa có kinh nghiệm, vừa có khả năng đầu tư mở rộng; Toyota triển khai hoạt động tư vấn và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Toyota sẽ phái cử chuyên gia đến các nhà máy hỗ trợ doanh nghiệp Việt...” - bà Oanh chia sẻ.

 Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm cơ hội bán hàng, tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Ảnh: Uyên Phương

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm cơ hội bán hàng, tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Ảnh: Uyên Phương

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp danh sách nhà cung ứng, Trung tâm còn tích cực tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện nhằm giúp doanh nghiệp nâng cấp năng lực sản xuất, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và nắm bắt lộ trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Cuối tháng 7 tới đây, chúng tôi sẽ khởi động lộ trình đào tạo nhà cung cấp, từ đó từng bước xây dựng đội ngũ doanh nghiệp hỗ trợ vững chắc cho thành phố” - bà Oanh nói thêm.

Theo bà Oanh, yếu tố “trách nhiệm xã hội” cũng ngày càng được các tập đoàn nước ngoài chú trọng. Ví dụ, Công ty ITO của Nhật yêu cầu rất cao về chế độ đãi ngộ người lao động và điều kiện làm việc. Không chỉ là sản phẩm đạt chất lượng, mà doanh nghiệp Việt còn phải chứng minh được sự bền vững trong vận hành để có thể tham gia vào chuỗi dài hạn. ITO có chiến lược mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất so với mức 80% hiện nay.

Doanh nghiệp nội địa: Tự tin bước ra toàn cầu

Sự chủ động từ phía các cơ quan hỗ trợ đang tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ cho khối doanh nghiệp CNHT nội địa. Ông Phạm Anh Tuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thịnh Phát chuyên sản xuất linh kiện cơ khí cho biết, đơn vị đã nỗ lực đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, giảm giá thành nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, Thịnh Phát còn đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới từ các hội chợ triển lãm quốc tế, các chương trình xúc tiến của TPHCM…

“Phải gặp gỡ, trao đổi trực tiếp mới hiểu được nhu cầu thị trường và khách hàng. Năm 2024, chúng tôi phát triển thêm ba đối tác Nhật, họ đòi hỏi cao về chất lượng, yêu cầu cải tiến liên tục nhưng một khi đã ký kết hợp đồng thì sẽ gắn bó lâu dài. Muốn phát triển, doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư, nâng năng suất, cải tiến quy trình để đáp ứng chuẩn quốc tế” - ông Tuyên nói.

 Công ty cơ khí Thịnh Phát không ngừng cải tiến máy móc, sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Uyên Phương

Công ty cơ khí Thịnh Phát không ngừng cải tiến máy móc, sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Uyên Phương

Ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Daviteq chuyên về cảm biến và hệ thống bán dẫn cho biết, đây là lần thứ hai công ty tham gia hội nghị kết nối nhà cung cấp. Daviteq hiện đang tìm kiếm đối tác cung ứng các sản phẩm cơ khí, kim loại, linh kiện điện tử, bo mạch, ép nhựa… để tăng tỷ lệ nội địa hóa. “Chúng tôi cần một cơ chế kết nối sâu sắc hơn, hiệu quả hơn giữa nhà cung cấp trong nước và bên mua quốc tế. Nếu có một nền tảng hoặc chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thì doanh nghiệp Việt sẽ phát triển rất nhanh” - ông Lộc nói.

Công ty CNS Amura chuyên về lĩnh vực cơ khí chính xác đã tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và nhiều nhà sản xuất lớn khác, bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng kết nối và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thành phố xác định công nghiệp là một trong những trụ cột chiến lược, đặc biệt sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò then chốt giúp nâng cao năng lực sản xuất trong nước và tăng sức hút đối với đầu tư FDI .

Một trong những chương trình trọng tâm đang được thành phố phối hợp với Samsung triển khai là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh. Chương trình này từng được áp dụng thành công tại Hàn Quốc và Thái Lan, giúp doanh nghiệp nhỏ cải tiến dây chuyền, tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất. “Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ là bước ngoặt để các doanh nghiệp Việt nâng cấp toàn diện về công nghệ, quy trình và năng suất”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Cùng với đó, TPHCM cũng đang hoàn thiện danh mục dự án để kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên như: công nghiệp bán dẫn, vật liệu mới, R&D, năng lượng sạch, công nghệ thiết kế và sản xuất linh kiện IC, điện tử linh hoạt, pin công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và cảng trung chuyển quốc tế.

Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu cho doanh nghiệp Việt nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và quy chuẩn cần thiết để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. “Từ tiêu chuẩn kỹ thuật, quản trị sản xuất, đến các yêu cầu về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ để doanh nghiệp không chỉ tiếp cận mà còn trụ vững”, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM khẳng định.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tao-luc-day-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-noi-dia-but-pha-post1761149.tpo