Tạo lực đẩy cho nông sản vùng cao vươn xa

Những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai đã có nhiều hoạt động thiết thực nâng cao chất lượng nông sản, cùng với đó là tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương.

Những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai đã có nhiều hoạt động thiết thực nâng cao chất lượng nông sản, cùng với đó là tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Sen, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, về nội dung này.

Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và Sở Công Thương kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tại Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và Sở Công Thương kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tại Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản được huyện Võ Nhai triển khai những năm gần đây?

Đồng chí Bùi Thị Sen: Để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được nhiều người biết đến, hàng năm, chúng tôi chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND huyện tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Huyện phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các chủ thể duy trì hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tạo gian hàng và đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso, PostMart…

Huyện Võ Nhai cũng đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện; đồng thời thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất bền vững gắn với chuyển đổi số.

Đặc biệt, định kỳ hằng năm, huyện tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản. Chương trình này được triển khai liên tục qua các năm trở thành nơi quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các nhà phân phối, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các nhà xuất khẩu… giúp tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…

P.V: Vậy huyện Võ Nhai có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Sen: Võ Nhai có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lượng mưa ổn định, nguồn nước phong phú gồm cả nước mặt và nước ngầm.

Bên cạnh phát triển cây lương thực, huyện định hướng phát triển các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp.Trong đó, vùng trồng chè được quy hoạch phát triển tại các xã: Tràng Xá, Liên Minh, Thần Sa, Cúc Đường, La Hiên, Bình Long, Phú Thượng, Lâu Thượng với diện tích hiện có trên 1,3 nghìn ha, trong đó, gần 150ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Vùng trồng na tại các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, thị trấn Đình Cả, Tràng Xá, Dân Tiến với diện tích gần 1 nghìn ha.

Vùng trồng bưởi tại các xã: Tràng Xá, Phú Thượng, Dân Tiến... với diện tích trên 450ha.

Vùng trồng ổi, cam, quýt, nhãn, thanh long với diện tích khoảng 500ha tại các xã: Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Tràng Xá, Dân Tiến...

Vùng trồng cây dược liệu chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện với diện tích đã hỗ trợ nông dân trồng đạt gần 400ha.

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, huyện đã ban hành Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương với tổng kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng từ ngân sách huyện.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong 3 năm qua, huyện đã hỗ trợ giá giống, kỹ thuật trồng mới cây na, bưởi, nhãn trên diện tích 200ha với kinh phí hỗ trợ 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho cây ăn quả chủ lực trên 450ha, kinh phí hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi trên 50% diện tích cây ăn quả tập trung sang sản xuất theo hướng hữu cơ…

Từ hỗ trợ của huyện đã có trên 400ha chè được lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước và trên 250ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 60% diện tích chè tập trung được người dân sản xuất theo hướng hữu cơ và sao sấy bằng công nghệ tiên tiến, có tem mác sản phẩm.

P.V: Đồng chí có thể cho biết mục tiêu phát triển nông nghiệp trong thời gian tới của huyện là gì?

Đồng chí Bùi Thị Sen: Võ Nhai đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn huyện sẽ có 2,4 nghìn ha lúa chất lượng cao, đặc sản, hữu cơ; tổng diện tích chè đạt 1,4 nghìn ha, trong đó 700ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; diện tích cây ăn quả đạt 2,5 nghìn ha; diện tích trồng cây dược liệu đạt 1 nghìn ha…

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, các giải pháp tại Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; các kế hoạch, đề án phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng như đề án phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo, kiểm tra tiến độ định kỳ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn để hoàn thành những chỉ tiêu được giao trong giai đoạn và định hướng của tỉnh và của huyện.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202309/tao-luc-day-cho-nong-san-vung-cao-vuon-xa-49c0ebc/