Tạo lực hấp dẫn thu hút các 'đại bàng' công nghệ
Được thành lập năm 2002 và trở thành mô hình khu công nghệ cao tập trung đầu tiên cả nước, đến nay Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) đã có sự phát triển vượt bậc.
Không chỉ thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam, SHTP đang hướng đến trở thành công viên khoa học công nghệ, với sự phát triển nội sinh cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Từ những “đại bàng” công nghệ
Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thành lập theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, với định hướng trở thành một khu kinh tế - kỹ thuật, xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn đầu và phát triển năng lực nội sinh trong các giai đoạn tiếp theo.
Một trong những dấu ấn lớn của Khu Công nghệ cao chính là việc Tập đoàn Intel đầu tư 1 tỷ USD để mở nhà máy năm 2006. Đây là sự kiện gây tiếng vang rất lớn trong khu vực thời điểm đó.

Khu vực nhà máy của Intel, một nhà đầu tư lớn tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Tại hội nghị nhà cung ứng Intel Việt Nam đầu tháng 4 vừa qua, ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Tổng Giám đốc của Intel Foundry cho biết: Nhà máy Intel tại Khu Công nghệ cao sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng tư này, một dấu ấn quan trọng khẳng định vai trò then chốt của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu của Intel.
“Chúng tôi ghi nhận và trân trọng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bán dẫn tiếp tục mở rộng và phát triển”, ông Naga Chandrasekaran chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, sự hiện diện của Intel góp phần khẳng định niềm tin cũng như tiềm năng và sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Intel là một đối tác chiến lược quan trọng đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố.
Với những “đại bàng” như Intel, SHTP đã trở thành thương hiệu quốc tế, nơi lý tưởng để các tập đoàn công nghệ đa quốc gia chọn làm địa điểm đầu tư. Minh chứng là đến nay có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đầu tư tại đây như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)...
Đến nay, Khu Công nghệ cao có 160 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn hơn 12,32 tỷ USD; trong đó vốn FDI 10,31 tỷ USD với 50 dự án. Sự phát triển nhanh của Khu được thể hiện rõ ở kim ngạch xuất khẩu. Năm 2010, Khu có sản phẩm xuất khẩu đầu tiên với kim ngạch chỉ 0,5 tỷ USD, thì một năm sau con số tăng gấp đôi và năm 2017 vượt mốc hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh và đạt 20,77 tỷ USD năm 2024.
Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt trên 170,3 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt hơn 161,9 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 145,8 tỷ USD. Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao đã có 9 bằng sáng chế cấp quốc tế, 59 bằng sáng chế cấp quốc gia và 155 bằng sở hữu công nghiệp.

Với hạ tầng được đầu tư bài bản, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều tập đoàn công nghệ đến đầu tư. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Những nền tảng này là cơ sở để TP. Hồ Chí Minh cũng như Khu Công nghệ cao phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, với các lĩnh vực được ưu tiên thu hút là vi điện tử, bán dẫn, trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Data Center & AI Factory); công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc sức khỏe con người; cơ khí chính xác, robot, thiết bị tự hành (Autonomous).
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, TP. Hồ Chí Minh có cả một hệ sinh thái rất hoàn chỉnh để phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp bán dẫn, chip vi mạch, điện tử. Đó là nguồn lực tốt, đội ngũ kỹ sư về công nghệ đông. Thành phố nhận thức rằng là chuỗi cung ứng bán dẫn và công nghệ cao đóng vai trò rất then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hướng tới xây dựng năng lực nội sinh
Thành công trong thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ cao có uy tín trên thế giới vào Khu Công nghệ cao đã lan tỏa đến các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước quan tâm, nhận chuyển giao công nghệ, thu hút nhân lực công nghệ hình thành dự án công nghệ cao đầu tư tại khu.
Nổi bật là các công ty FPT (phần mềm, AI, vi mạch), Nanogen (công nghệ sinh học), BSB (công nghệ nano), United Health Care (công nghệ y sinh), Real-time Robotics Việt Nam, Gremsy (điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa), Unicloud (điện tử, AI)... Một số Việt kiều là doanh nhân, nhà khoa học cũng quyết định đầu tư dự án tại đây như DGS (linh kiện điện tử), GES, Fab 9 (vi mạch), TJ Aerospace Việt Nam (hàng không vũ trụ và dân dụng)...

Thiết bị bay không người lái của Gremsy, một doanh nghiệp trong nước được ươm tạo và phát triển tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao cũng đã hỗ trợ 131 dự án, với nhiều startup thành công như ACIS Technology, Gremsy, Vexere. Trong số đó, thiết bị bay không người lái của Gremsy, một doanh nghiệp trong nước, đã xuất khẩu thành công tới hơn 40 quốc gia. Doanh nghiệp này trưởng thành từ Vườn ươm và giờ là một nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao.
Đây cũng chính là định hướng được Thủ tướng Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh và Khu Công nghệ cao xác định từ ngày đầu thành lập, với sự phát triển các doanh nghiệp trong nước. Quyết định số 370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, tiếp tục xác định ưu tiên mở rộng Khu Công nghệ cao, phát triển trở thành công viên khoa học công nghệ; tạo môi trường thuận lợi nhất cho nghiên cứu triển khai, ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao.
Gần đây, Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW tạo ra nhiều không gian phát triển mới cũng như những nhiệm vụ hết sức quan trọng cho khu trong phát triển nhanh và bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chiến lược Khu Công nghệ cao đặt ra là thu hút các tập đoàn lớn sở hữu công nghệ nguồn từ đó tiếp thu, chuyển giao, học hỏi, nắm bắt công nghệ, ứng dụng, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, đồng thời xúc tiến nghiên cứu - triển khai (R&D). Điều này nhằm từng bước xây dựng năng lực nội sinh trong lĩnh vực công nghệ cao, tiến đến làm chủ, sáng tạo công nghệ đặc thù Việt Nam.
Thực tế ngay từ khi mời gọi các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Nidec, Samsung, TTI... Khu Công nghệ cao có nhiều hoạt động xây dựng chiến lược phát triển chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, khu đã thu hút được 26 dự án trong đó 23 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và 3 dự án dịch vụ công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (có 14 dự án trong nước).

Trình diễn thiết bị bay không người lái của Gremsy, một doanh nghiệp trong nước tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm này được xuất khẩu thành công tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Cùng với đó, các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao đều phải có cam kết chi cho hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển). Đến năm 2025, tổng chi R&D ước đạt 250 triệu USD. Hiện chi tiêu R&D từ các dự án tại Khu Công nghệ cao chiếm trên 47% tổng chi tư nhân cho R&D của TP. Hồ Chí Minh và khoảng 7% tổng chi tư nhân cho R&D của Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Cường, việc thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đã góp phần kết nối được hơn 300 doanh nghiệp ngoài khu tham gia chuỗi cung ứng. Nếu như năm 2011 và năm 2012, giá trị gia tăng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm sản xuất tại khu chỉ đạt xấp xỉ khoảng 6% - 8% thì năm 2013 đã đạt 26%. Từ năm 2013, trung bình mỗi năm hàm lượng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản sản phẩm đạt 20%/năm, phấn đấu năm 2025 đạt 35%.
Thời gian tới, Khu Công nghệ cao sẽ tập trung thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu) và các nước công nghiệp mới, có vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Các dự án trong nước từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã kêu gọi được vốn đầu tư, doanh nghiệp khoa học công nghệ… cũng được ưu tiên để hiện thực hóa mục tiêu phát triển khoa học công nghệ bằng năng lực nội sinh.
Với nền tảng hơn 20 năm phát triển, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, mà giờ đây mục tiêu của khu còn hướng đến phát triển năng lực nội sinh, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-luc-hap-dan-thu-hut-cac-dai-bang-cong-nghe/370001.html