Tạo 'luồng xanh' cho nông sản
Hiện nay, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của Long An đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn trước nhưng một số loại nông sản vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.
Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Long (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng) chuyển từ 15ha đất trồng lúa sang trồng khoai lang ruột vàng và khoai bí ruột trắng. Trung bình mỗi hécta đầu tư gần 150 triệu đồng. Hai giống khoai này phát triển tốt, năng suất cao từ 40-50 tấn/ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rất khó tìm đầu ra cho loại nông sản này.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Long - Hoàng Đăng Tân chia sẻ: “Bình thường, giá bán khoai lang ruột vàng và khoai bí ruột trắng trên 20.000 đồng/kg và thương lái đến tận nơi thu mua. Còn nay chỉ bán được 6.000 đồng/kg nhưng không có ai mua, nếu có HTX phải giao tận nơi nên sau khi trừ chi phí, chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg. Với giá này, HTX bị lỗ 1.000 đồng/kg. Để có thể tiêu thụ được trong thời gian này, ngành Nông nghiệp, Sở Công Thương, UBND huyện đã tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, nếu không thì số khoai này chỉ đem… cho bò ăn”.
Nhờ có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đến nay HTX chỉ tồn khoảng 200 tấn khoai. Số khoai này nếu không được thu hoạch thì sẽ bị nước lũ làm hỏng. Do đó, HTX rất cần được sự hỗ trợ”.
Tương tự, hiện nay, nông dân nuôi ếch thương phẩm trên địa bàn huyện Tân Thạnh vẫn đang “đứng ngồi không yên” vì không có thương lái đến thu mua. Nhiều nông dân đành phải làm thương lái “bất đắc dĩ”. Anh Lương Thanh Tâm (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có trên 22 tấn ếch thương phẩm đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua nên chỉ bán lẻ cho người dân xung quanh. Giá ếch thời điểm hiện tại chỉ từ 30.000-35.000 đồng/kg, với giá bán này, nông dân không có lợi nhuận nhiều”.
Hiện nay, vùng Đồng Tháp Mười đang thực hiện Chỉ thị 15, các địa phương đang phục hồi sản xuất. Song, đa số các nông sản tiêu thụ ngoài tỉnh nên đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Thạnh - Phạm Trọng Cường chia sẻ: “Nắm được nhu cầu của nông dân, phòng phối hợp Sở Công Thương tìm đầu ra cho ếch. Ban đầu, Công ty TNHH San Hà đến mua, bình quân 600kg/ngày nhưng được một thời gian thì tạm ngưng. Song, số lượng 600kg/ngày vẫn không giải quyết được số lượng ếch tồn ứ trên địa bàn huyện. Trước đây, thị trường tiêu thụ ếch của nông dân chủ yếu là các chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh nhưng do tình hình dịch bệnh, các chợ đóng cửa, nông dân đành phải bán lẻ cho người dân xung quanh huyện nhưng số lượng không nhiều”.
Tiêu thụ nông sản luôn là bài toán khó, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần phải có giải pháp để sớm phục hồi sản xuất, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tao-luong-xanh-cho-nong-san-a122270.html