Tạo mạch liên kết từ phát triển cảng thủy nội địa

Vĩnh Phúc sở hữu tiềm năng phát triển giao thông đường thủy nội địa nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc. Với tầm nhìn 'đi trước một bước', tỉnh đã triển khai quy hoạch, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bám sát quy hoạch của Trung ương để gắn kết, phát triển vận tải đa phương thức, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả.

Vĩnh Phúc có 4 con sông chính chảy qua, gồm sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Trong đó, sông Hồng và sông Lô là 2 con sông chính có hoạt động vận tải thủy nội địa quốc gia do Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh gồm tuyến Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai qua sông Hồng với chiều dài 41km và tuyến Việt Trì - Tuyên Quang - Na Hang qua sông Lô với chiều dài 34km. Đây là những tuyến giao thông đường thủy nội địa quan trọng trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3 cảng sông, 39 bến hàng hóa, 2 bến phà và 5 bến khách ngang sông phân bố trên sông Hồng và sông Lô, phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của nhân dân.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải thủy nội địa Việt Trì - Tuyên Quang - Na Hang đi qua sông Lô tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải thủy nội địa Việt Trì - Tuyên Quang - Na Hang đi qua sông Lô tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trong đó, Như Thụy và Vĩnh Thịnh là 2 cảng sông lớn có thể tiếp nhận cỡ tàu 400 tấn, công suất từ 120 - 190 nghìn tấn/năm; cảng Đức Bác có thể tiếp nhận tải trọng tối đa 200 tấn, công suất 70.000 tấn/năm.

Nhờ đó, hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa của tỉnh, nhất là vận tải hàng hóa có xu hướng tăng dần qua các năm; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15,58%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10,39%/năm. Riêng năm 2024, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 72 nghìn tấn, tăng 16,7%; luân chuyển hàng hóa đạt 5.500 triệu tấn.km, tăng 15,06% so với cùng kỳ năm 2023.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, phù hợp với định hướng Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã quy hoạch tích hợp phương thức vận tải đường thủy nội địa trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 gồm 5 cụm cảng hàng hóa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, phân bố trên sông Hồng, sông Lô, tiếp nhận cỡ tàu 3.000 tấn, công suất 2,7 triệu tấn/năm như cảng Vĩnh Thịnh, Cam Giá, Như Thụy, Đức Bác...

Đồng thời, quy hoạch các cụm cảng hành khách Vĩnh Phúc - Phú Thọ trên sông Hồng, sông Lô tiếp nhận cỡ tàu 100 ghế, công suất 100 nghìn lượt hành khách/năm. Bên cạnh đó, có 7 cảng thủy nội địa quy hoạch tỉnh đạt công suất đến 300 nghìn tấn/năm, tiếp nhận cỡ tàu từ 1.000 - 2.000 tấn, như cảng Sơn Đông, Cao Phong, Trung Hà...

Hệ thống cảng thủy này được phân bố dọc trên các tuyến sông Hồng, sông Lô, gắn liền với đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh, đóng vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa, kết nối hành lang vận tải đường bộ Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai với tuyến thủy Hà Nội - Việt Trì - Tuyên Quang.

Từ đó góp phần khai thác tối đa hoạt động vận tải đa phương thức, giảm áp lực chi phí trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị... bằng đường bộ cho các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và vùng lân cận.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1587 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 quốc gia.

Trong đó, quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa với tổng công suất 513 triệu tấn và 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất 68,7 triệu lượt khách. Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 187.533 tỷ đồng.

Trong đó, Vĩnh Phúc được quy hoạch cụm cảng hàng hóa trên sông Hồng, sông Lô với cỡ tàu 3.000 tấn, công suất 4.800 tấn/năm và cụm cảng hành khách Phú Thọ - Vĩnh Phúc trên sông Hồng, sông Lô, sông Đà với cỡ tàu 100 ghế, công suất 200 nghìn lượt hành khách/năm.

Riêng cụm cảng hàng hóa có tổng công suất 4.800 tấn/năm sẽ được bố trí ngân sách Nhà nước để xây dựng mới. Việc hình thành các cụm cảng được đầu tư bài bản, quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho phát triển hoạt động vận tải thủy nội địa, thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho doanh nghiệp của tỉnh và vùng phụ cận phát triển sản xuất, phân phối hàng hóa, giảm chi phí logistics.

Với mục tiêu tạo mạch liên kết vận tải đa phương thức, tỉnh định hướng tập trung nguồn lực, phát triển hành lang kết nối giao thông đường thủy tuyến Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai và tuyến Việt Trì - Tuyên Quang - Na Hang với khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm nâng cao năng lực và giảm tải cho phương thức vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng thủy hiện có theo cụm, kết nối với đường bộ, đường sắt, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn với công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm logistics đường thủy nội địa và tham gia vận tải đa phương thức.

Từ đó, không chỉ phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải trong quy hoạch tổng thể quốc gia và của tỉnh, mà còn khơi dậy, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122684//tao-mach-lien-ket-tu-phat-trien-cang-thuy-noi-dia