Tạo môi trường an toàn để trẻ em phát triển toàn diện

Với mục tiêu tích hợp giáo dục cha mẹ không sử dụng bạo lực và áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực vào các cơ chế bảo vệ trẻ em (BVTE), sau 1 năm triển khai Dự án 'Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa' (gọi tắt là Dự án) do Tổ chức Terre des Hommes (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa (chủ Dự án) đã tích cực triển khai Dự án và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Các em học sinh Trường THCS Quảng Phú, phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em.

Các em học sinh Trường THCS Quảng Phú, phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em.

Theo thống kê của các ban, ngành, địa phương tại 15 địa bàn thụ hưởng Dự án (gồm các phường Đông Thọ, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Hưng, Quảng Phú (TP Thanh Hóa); thị trấn Hậu Lộc và các xã Ngư Lộc, Triệu Lộc, Hưng Lộc, Phú Lộc (Hậu Lộc); thị trấn Bút Sơn và các xã Hoằng Phong, Hoằng Đức, Hoằng Tiến, Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), 80% trẻ em ở độ tuổi từ 6 - 15; 70% hộ gia đình, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và các thành viên trong gia đình có kiến thức, hiểu biết còn hạn chế về bạo lực thể chất và phương pháp giáo dục không sử dụng bạo lực; 60% cán bộ địa phương, các tổ chức dân sự xã hội trong lĩnh vực BVTE tham gia các cơ sở BVTE (nhà tạm lánh) còn hạn chế về khả năng và kỹ năng để cung cấp các biện pháp can thiệp hiệu quả và kịp thời để ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp trẻ em bị bạo lực thể chất và thúc đẩy phương pháp kỷ luật tích cực; 80% hộ gia đình còn hạn chế nhận thức và hiểu biết về phương pháp giáo dục không bạo lực; việc giáo dục con bằng các biện pháp như sử dụng đòn roi, đánh đập, đe dọa... Tuy nhiên, không có chương trình tích hợp giáo dục cho cộng đồng về phương pháp kỷ luật không bạo lực (được xem là một biện pháp giúp chấm dứt nạn bạo hành trẻ em). Bên cạnh đó, việc báo cáo và phản hồi chưa kịp thời, đầy đủ (chỉ báo cáo khi vụ việc có dấu hiệu hình sự); sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ và chưa phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức tại địa phương.

Sau 1 năm triển khai Dự án, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt để đưa Dự án ngày càng phát huy hiệu quả và lan tỏa trong đời sống cộng đồng, như: đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến quyền trẻ em, phòng chống bạo lực thể chất đối với trẻ em... trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, tại các buổi sinh hoạt cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp tập huấn về Dự án tại các địa phương thí điểm, thu hút được hàng trăm học viên tham gia là trẻ em, cha mẹ, thành viên trong gia đình trẻ, người chăm sóc trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục và người dân ở cộng đồng.

Thông qua các lớp tập huấn, các đối tượng của Dự án đã được giảng viên truyền đạt kinh nghiệm về một số nội dung liên quan đến việc nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em; phương pháp thay thế cho kỷ luật hình phạt; rủi ro và hậu quả của bạo lực thể chất đối với trẻ em. Đồng thời, các đối tượng cũng được thực hành các kỹ năng cơ bản khi ứng xử với trẻ thông qua các tình huống như bảo vệ trẻ, cách nhận diện tình huống có nguy cơ mất an toàn cho trẻ, kỹ năng đặt câu hỏi, lắng nghe, thấu hiểu trẻ, tạo dựng môi trường thân thiện cho trẻ...

Ông Triệu Huy Tạo, Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Dự án sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 3/2024 đến 31/10/2026 với mong muốn tạo ra một môi trường an toàn và nuôi dưỡng trẻ em có thể phát triển và phát triển mạnh mẽ, không gặp bạo lực và những hậu quả kéo dài của việc bị trừng phạt thân thể; nâng cao năng lực phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại, từng bước giảm đến mức thấp nhất các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh".

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-moi-truong-an-toan-de-tre-em-phat-trien-toan-dien-240678.htm