Tạo môi trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Hàn Quốc cùng phát triển

Chiều 21/11, 'Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024' được tổ chức với chủ đề 'Niềm tin và hợp tác: Chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa'.

Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KBIZ) phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024 là dịp quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trực tiếp trao đổi, tìm kiếm đối tác chiến lược, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững giữa hai bên.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, đánh giá cao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn – thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tăng tốc đạt được các kế hoạch đầu tư, kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, để đạt được những thành công trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc, sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Hàn Quốc là quốc gia có kinh nghiệm bề dày trong phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các DNNVV của Hàn Quốc có lịch sử phát triển lâu đời, nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành, phát triển lớn mạnh trở thành các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có uy tín, thương hiệu trong khu vực và quốc tế.

Song song với đó, các DNNVV của Việt Nam cũng đã và đang từng bước phát triển, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp vừa và lớn trong khu vực, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các DNNVV Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh trong nhiều lĩnh vực như chế biến, chế tạo, điện-điện tử, nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, dệt may, da giày,…

Đề cập tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân.

Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư để phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao, như: Công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các DNNVV của Hàn Quốc tăng cường hợp tác kết nối kinh doanh với các DNNVV của Việt Nam trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Việt Nam cam kết nguyên tắc "3 bảo đảm" và "3 cùng".

Cụ thể, "3 bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế; coi trọng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư. Bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định về chính sách, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Đồng thời, "3 cùng", gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (hydrogen), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, đô thị thông minh…

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống đang không ngừng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tin tưởng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, là động lực giúp hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới, đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng của đất nước, lợi ích của nhân dân.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-moi-truong-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam-han-quoc-cung-phat-trien-10294973.html