Tạo môi trường, cơ chế để giáo viên gắn bó với nghề
'Ngày nay giáo viên phải đối mặt với nhiều sức ép từ xã hội, học sinh, phụ huynh. Khi tôn nghiêm của người thầy bị đánh mất, cộng thêm thu nhập thấp, nhiều giáo viên dù không muốn nhưng vẫn phải bỏ nghề'.
Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới. Nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên khi triển khai chương trình GDPT mới.
Bộ GD-ĐT cũng nhận định rằng, số lượng giáo viên nghỉ việc tăng cao, có nhiều nguyên nhân, song một phần do thu nhập của giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống. Trong khi đó thời gian làm việc quá tải, yêu cầu công việc cao và áp lực dư luận xã hội, phụ huynh rất lớn. Bởi vậy nhiều giáo viên không thể gắn bó với nghề.
Thầy Phùng Văn Tráng, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Hậu Giang) chia sẻ, dù công tác trong nghề 10 năm, nhưng hiện tại mức lương mỗi tháng chỉ khoảng 8,5 triệu đồng chưa trừ tiền đóng BHXH. Là trụ cột gia đình, mức lương trên của thầy Tráng không thể đủ lo cho vợ con nếu không làm thêm những công việc khác. “Lương chỉ đủ ăn, khi gia đình có công việc, con cái đi học, ốm đau thì mức lương trên không thể đủ. Nhìn chung đây là khó khăn của đông đảo đội ngũ nhà giáo hiện nay khi mức lương chưa thể đáp ứng được mức sống trong điều kiện giá cả leo thang. Nhiều giáo viên dù rất buồn nhưng quá khó khăn, phải làm thêm đủ nghề hoặc bỏ nghề”.
Thầy Tráng cho biết thêm, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ngoài công việc chuyên môn là dạy Tin học, thầy Tráng còn làm thêm các công việc khác như sửa chữa máy tính, máy in, lắp camera…
Bởi vậy với thầy Tráng và nhiều giáo viên khác, thông tin Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xem xét xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp là một niềm vui lớn. Thầy Tráng hy vọng, trong đợt cải cách tiền lương sắp tới, lương giáo viên sẽ được cải thiện, giúp thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.
Cô Hoàng Thị Điệu, giáo viên có hơn 10 năm gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng chia sẻ, thời gian qua, thông tin lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương giúp thầy cô có thêm hy vọng để gắn bó với nghề.
Cô Điệu mong rằng qua cải cách tiền lương, mức lương giáo viên được cải thiện hơn hiện nay. “Công tác hơn 10 năm, nhưng từ sau khi tăng lương cơ sở, đến nay mức lương của tôi mới được hơn 8 triệu đồng/tháng. Với những giáo viên vùng cao, ngoài lương, giáo viên khó có cơ hội làm thêm nên đời sống còn nhiều khó khăn”.
Cô Hoàng Thị Điệu cũng cho rằng, lương thấp, nhưng giáo viên lại phải đảm nhiệm nhiều công việc không tên, sổ sách quá tải: “Những ngành nghề khác chỉ làm việc ngày 8 tiếng, nếu làm thêm sẽ được trả lương tăng ca, nhưng giáo viên ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, còn cần soạn giáo án, làm sổ sách… nhiều ngày thầy cô ngồi ở trường làm đến 7-8 giờ tối là bình thường. Ban ngày đi dạy, tối về lại ngồi chuẩn bị bài giảng, chấm bài… gần như không còn thời gian cho bản thân, gia đình. Bên cạnh đó, các cấp học đều có rất nhiều các cuộc thi. Với học sinh miền núi, nhiều cuộc thi mang tính hình thức, vô bổ, nhưng thầy và trò vẫn phải dày công chuẩn bị để tham gia, nếu không tham gia hay thành tích kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường. Bản thân giáo viên rất mong muốn được giảm tài các thủ tục hành chính, giảm bớt các cuộc thi không cần thiết, không thiết thực với học sinh”, cô Điệu kiến nghị.
Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên bậc THPT tại Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, đa số những đồng nghiệp xung quanh thầy nghỉ việc đều là người năng động, giỏi chuyên môn, không cam chịu. Bởi vậy khi lương không đủ sống, các trường sẽ không thể giữ chân những giáo viên này.
Thầy Nguyễn Văn Đường hy vọng, trong đợt cải cách tiền lương sắp tới, cần xem xét trả lương theo hiệu suất việc làm, những người làm tốt sẽ được trả lương cao, những người làm chưa tốt chỉ nên trả ở mức lương tối thiểu.
Bên cạnh vấn đề tiền lương, theo thầy Đường, ngày nay giáo viên phải đối mặt với nhiều sức ép từ xã hội, học sinh, phụ huynh. Khi tôn nghiêm của người thầy bị đánh mất, cộng thêm thu nhập thấp, nhiều giáo viên dù không muốn nhưng vẫn phải bỏ nghề. Do vậy, để giáo viên, đặc biệt là những giáo viên giỏi gắn bó với ngành giáo dục, cần quan tâm đến vấn đề tiền lương, khuyến khích, tạo môi trường làm việc, tạo điều kiện cho giáo viên được phát huy tính tự chủ, sáng tạo.
Nói về giải pháp giữ chân giáo viên ở lại với ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít nhất phải đảm bảo mức sống để họ có thể sống bằng nghề.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt. Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116 việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.
“Còn một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành và người ta thấy rằng nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ, để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ, được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.
Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượn nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tao-moi-truong-co-che-de-giao-vien-gan-bo-voi-nghe-post1068648.vov