Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sông Mã xảy ra 3 vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ là tự ý ra sông, suối tắm, không có sự giám sát của người lớn.

Lớp dạy múa cho thiếu nhi tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện. Ảnh: Trần Hiền

Lớp dạy múa cho thiếu nhi tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện. Ảnh: Trần Hiền

Ông Lường Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, thông tin: Trên địa bàn có sông Mã và 3 con suối chảy qua. UBND xã chỉ đạo các trường học và các bản rà soát các khu vực nguy hiểm để cắm biển báo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát, nhắc nhở trẻ về các nguy cơ gây tai nạn thương tích và đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè và mùa mưa bão.

Chúng tôi có mặt tại cầu tràn qua suối Nậm Sọi, xã Mường Cai, bắt đầu vào dịp nghỉ hè, có nhiều trẻ từ 7-15 tuổi ra tắm ở khu vực này, nhưng đều không có sự giám sát của người lớn. Em Lò Văn Thanh, xã Mường Cai, cho biết: Trong thời gian nghỉ hè, vào buổi chiều em và các bạn trong bản ra khu vực cầu đập tràn này để tắm.

Theo thống kê, Sông Mã có hơn 17 nghìn trẻ sống trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo; 800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; trên 18 nghìn trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 1.839 trẻ đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Ông Phạm Quang Lượng, Phó trưởng phòng Lao động, TB và XH huyện, cho hay: Hàng năm, Phòng tham mưu cho UBND huyện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Trong đó, tập trung truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT; rà soát, phát hiện các nguy cơ gây TNTT trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ. Xây dựng và nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, phòng chống TNTT trẻ em.

Ông Đinh Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, cho biết: Tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho trẻ, Trung tâm đã phối hợp với các trường học tổ chức các lớp năng khiếu về bóng đá, teakwondo, cầu lông, bóng bàn, bơi lội và các lớp năng khiếu âm nhạc, hội họa... thu hút thiếu niên, nhi đồng tham gia, góp phần giảm TNTT, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 176 cuộc tuyên truyền cho 3.650 lượt người. 100% các trường học tổ chức truyền thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 100% các xã, thị trấn xây dựng cộng đồng an toàn ở địa phương. Một số xã xây dựng hệ thống mạng lưới tình nguyện viên, cùng nhân viên y tế bản, tổ dân phố giám sát, ghi chép, phân tích các trường hợp TNTT và thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu khi có TNTT xảy ra.

Anh Hà Văn Thập, Phó Bí thư Huyện đoàn, chia sẻ: Chỉ đạo các cơ sở đoàn đã tuyên truyền về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; duy trì các mô hình, câu lạc bộ phát huy quyền tham gia của trẻ em. Tổ chức sinh hoạt hè, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phối hợp dạy bơi, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, TNTT và xâm hại trẻ em.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các gia đình cần thường xuyên quan tâm, giám sát, nhắc nhở trẻ về các nguy cơ gây TNTT và đuối nước, trang bị những kỹ năng phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/tao-moi-truong-song-an-toan-lanh-manh-cho-tre-an02jXlVg.html