Tạo môi trường thuận lợi để trí thức hoạt động
Môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn; thu nhập của các trí thức chưa tương xứng; đánh giá, sử dụng, đãi ngộ trí thức, nhà khoa học vẫn nặng về hình thức... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng 'chảy máu chất xám' từ khối các cơ quan hành chính Nhà nước sang khu vực tư nhân; nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước không giữ chân được người tài.
Cơ chế, chính sách thu hút nhân tài còn bất cập
Trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức và đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức. Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 27) đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, nhiều cấp ủy đảng các cấp đã có các giải pháp phù hợp để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng. Những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rõ nét thông qua những thành quả tích cực trên các ngành, nghề, lĩnh vực. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước...
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, kết quả bước đầu, hoạt động của đội ngũ trí thức cũng còn một số hạn chế, bất cập. Đóng góp của đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước chưa được như kỳ vọng; đội ngũ trí thức đầu ngành còn thiếu, đội ngũ kế cận có sự hẫng hụt; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài còn bất cập, thiếu đồng bộ, ít có tính đột phá. Đặc biệt, môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn, nhất là đối với người có tài năng; cơ hội thăng tiến của các nhà khoa học còn nhiều khó khăn; đánh giá, sử dụng, đãi ngộ cán bộ trí thức, nhà khoa học vẫn nặng về hình thức và theo chức vụ hành chính hơn là căn cứ theo năng lực chuyên môn, thu nhập của các trí thức chưa tương xứng...
Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài
Nhận thức rõ những tồn tại này, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.
Mới đây, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững...
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học...
Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (diễn ra vào tháng 3/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Trong bối cảnh mới, nhiều ý kiến cho rằng, có ba yếu tố mấu chốt để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là: đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Nhưng ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn nhiều bất cập. Bởi vậy, cùng với chế độ đãi ngộ và thu nhập hợp lý, điều quan trọng nhất là phải tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học, có cơ chế thực hành dân chủ, phát huy tự do sáng tạo. Môi trường làm việc cần được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, thông thoáng, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho việc phát triển nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức.
Theo đó, hệ thống chính sách và pháp luật về trí thức phải cụ thể hóa và đồng bộ với những quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để trí thức phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Các chính sách này phải mang tính đột phá trong phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, nhiệt huyết, có tài năng nổi trội. Đồng thời, tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, phát minh, sáng chế nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức và khuyến khích đội ngũ trí thức tiếp tục cống hiến. Cùng với đó, cần xóa bỏ tư duy chỉ thiên về coi trọng bằng cấp, thâm niên công tác...