Tạo nền tảng để kiến tạo bộ máy tinh gọn

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín là kỳ họp của tinh thần trách nhiệm và đột phá, nhất là trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy nhà nước. Đây là Kỳ họp tạo nền tảng để kiến tạo bộ máy tinh gọn.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình):
Huy động nguồn lực hợp tác công tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo

Kỳ họp bất thường lần thứ Chín để lại ấn tượng về một kỳ họp của tinh thần trách nhiệm và đột phá, nhất là trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy nhà nước. Đây là Kỳ họp tạo nền tảng để kiến tạo bộ máy tinh gọn. Kỳ họp đã thể hiện sự chỉ đạo thống nhất giữa đường lối của Đảng với việc thể chế hóa đường lối thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của Quốc hội, Chính phủ… Kết quả là đã thực hiện được nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra, tạo tiền đề để tiến hành tổng rà soát, đánh giá và nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

 ĐBQH Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình)

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình)

Dù công việc hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước là cả một quá trình lâu dài, nhiệm vụ đó còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhưng vai trò của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV là tiền đề, cơ sở hết sức quan trọng.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, tôi đặc biệt ấn tượng với khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về 3 nội dung cốt lõi của việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là: bảo đảm phân cấp, phân quyền, ủy quyền; tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý; bảo đảm tính ổn định và liên thông.

Chính vì thế, với việc bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Quốc hội đã thể hiện tư duy đột phá trong công tác xây dựng pháp luật là thực hiện việc ủy quyền lập pháp. Cùng với đó, chúng ta kỳ vọng sẽ khắc phục được thực trạng chồng chéo, vướng mắc trong thời gian qua là không thể phân cấp, phân quyền, ủy quyền khi hàng trăm luật quy định rất cụ thể thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND… Từ đây, Luật sẽ tạo cơ chế để thực hiện theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Không chỉ vậy, Kỳ họp này cũng giải quyết được nhiệm vụ mang tính cách mạng, thúc đẩy lực lượng sản xuất. Đó là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết sẽ trao một số cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các công trình khoa học cũng như thu hút nguồn nhân lực của lĩnh vực này.

Kỳ họp bất thường lần thứ Chín diễn ra trong không khí khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm. Điều này cho thấy, khi đất nước chuyển mình, bộ máy chuyển động trong guồng quay vũ bão của lịch sử, tư duy trong bộ máy cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Hoạt động của Quốc hội cũng thấm đẫm tinh thần đó.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng):
Tạo đà cho sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn tiếp theo

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã thông qua 4 luật, 5 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng.

 ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)

Các Nghị quyết được thông qua đều hết sức quan trọng, tạo bước đột phá lớn để phát triển đất nước. Đáng lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nhằm phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ, tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác; góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố, qua đó đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý.

Tôi tin tưởng, các Nghị quyết nêu trên sẽ tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh):
Khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua

Kỳ họp bất thường lần thứ Chín là kỳ họp bất thường có thời gian họp dài nhất, với 4 luật và 18 nghị quyết được Quốc hội thông qua, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để kiến tạo không gian phát triển mới, cũng như tạo nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

 ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và nhiều nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho các công trình quan trọng quốc gia, hay cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điểm đáng chú ý trong các luật và nghị quyết nêu trên là có những tư tưởng rất mới.

Để đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền, tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã quy định rõ “trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến quy định của cơ quan nhà nước cấp trên thì cơ quan, người phân cấp được điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó”.

Sau đó, cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm báo cáo lại cơ quan nhà nước cấp trên về việc thực hiện điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đó. Việc đổi mới theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan, người được phân cấp chủ động trong công việc như vậy sẽ giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cũng như tháo gỡ vướng mắc lâu nay về thủ tục, quy trình thực hiện.

Hay như, tại Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận quy định về miễn trừ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết.

Tại Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước... Đây là những cơ chế rất đúng, giúp khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn làm việc và cống hiến.

Tôi mong muốn, thông qua thực hiện các cơ chế đặc thù đã cho thấy rõ hiệu quả từ công trình quan trọng quốc gia, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như ở một số địa phương cụ thể, Chính phủ cần sớm nghiên cứu để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách này.

Yêu cầu phân cấp, phân quyền đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều lần trong các phiên họp của Quốc hội trước đây. Tại các luật được Quốc hội thông qua lần này đã quy định tập trung, quyết liệt hơn, thực sự sẽ tạo cuộc cách mạng nếu làm đúng với quy định của luật. Tất nhiên, cùng với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền cũng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm. Giám sát cũng để sớm phát hiện và sửa đổi kịp thời những quy định pháp luật chưa phù hợp, giúp tạo dựng một nền quản trị hiện đại và linh hoạt.

Thực tế cho thấy, dù đã phân cấp, phân quyền nhưng cơ quan cấp trên hiện nay vẫn “sợ” cơ quan cấp dưới làm sai, làm không tốt, vì có quy định cơ quan cấp trên phải chịu trách nhiệm với cơ quan cấp dưới. Vì thế, cơ quan cấp trên vẫn phải “thò tay”, xem xét, thẩm định các nhiệm vụ được giao cho cấp dưới thực hiện.

Do đó, thời gian tới, cùng với khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, Chính phủ cần chú ý ban hành quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để cơ quan cấp trên có thể tin tưởng được cơ quan cấp dưới, cấp dưới sẽ làm cho hết trách nhiệm, làm cho đúng, không còn tâm lý dựa vào cấp trên.

Thanh Hải - Hoàng Ngọc thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-nen-tang-de-kien-tao-bo-may-tinh-gon-post405351.html