Tạo nền tảng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Chiều 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30.7.2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia.
Cụ thể: bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tạo nền tảng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, tạo môi trường minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thị trường, xuất khẩu; kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng chỉ một đầu mối cấp quốc gia để quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 19 điều trên tổng số 71 điều (chiếm 26,7%) của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các quy định này đã thể hiện đầy đủ 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật có 6 chương và 67 điều (giảm 1 chương và 4 điều so với Luật hiện hành).
Cân nhắc việc ban hành Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hàng năm và định kỳ 5 năm
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản các chính sách được sửa đổi, bổ sung đã thể hiện những quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa các chính sách này thành các điều khoản cụ thể, thể hiện rõ hơn quan điểm, chính sách của Nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định về Chiến lược như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu quy định rõ giai đoạn, thời kỳ, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn; nội dung Chiến lược cần được liên kết với các điều, khoản khác; bổ sung quy định nội dung định hướng, đánh giá thực trạng, hoàn thiện hạ tầng chất lượng quốc gia; quy định rõ cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế; bổ sung nguyên tắc, căn cứ xây dựng Chiến lược, thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; cân nhắc việc ban hành Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hàng năm và định kỳ 5 năm, bảo đảm đồng bộ với Chiến lược.
Về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thủ tục đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành và đề nghị rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nội dung minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và quy định chi tiết về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy trên môi trường điện tử để thuận tiện, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí, thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp.