Tạo nguồn đầu tư cho phát triển

Bác Hồ cho rằng một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.

Hơn bao giờ hết, con người trong thời đại mới cần có tài và đức. "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là một trong những đặc trưng cơ bản, cốt lõi của đạo đức cách mạng cần được học và hành tích cực.

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Những mục tiêu chiến lược 100 năm đang thôi thúc chúng ta. Phải làm cho nội lực mạnh lên, phải tăng cường phòng chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Trong đó, con người là nguồn lực quý giá nhất.

"Cần - kiệm" như hai chân của một con người

Bác Hồ quan niệm: "Cần, kiệm, liêm, chính" là 4 đức tính quan trọng của con người. Giống như: "Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người".

"Cần, kiệm, liêm, chính" theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh hoa của tư tưởng, đạo đức của dân tộc và của Nho giáo. Nội hàm của từng chữ được Bác diễn đạt sâu, rộng, dễ hiểu.

 Tận dụng và khai thác tốt thế mạnh về địa lý, tài nguyên của địa phương cũng là một cách tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn lực. Trong ảnh: TP HCM phát huy thế mạnh vận tải và du lịch đường sông. Ảnh: VÕ HOÀNG TRIỀU

Tận dụng và khai thác tốt thế mạnh về địa lý, tài nguyên của địa phương cũng là một cách tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn lực. Trong ảnh: TP HCM phát huy thế mạnh vận tải và du lịch đường sông. Ảnh: VÕ HOÀNG TRIỀU

Trong 4 chữ "cần, kiệm, liêm, chính", Bác nói chữ "cần" nhiều nhất và trước hết bởi sự siêng năng, cần cù là nguồn gốc của văn minh, tiến bộ xã hội. Theo Bác, cần cù không chỉ trong lao động sản xuất, trong học tập mà cả trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Bác mở rộng tối đa chữ "kiệm". Đó không chỉ là tiết kiệm của cải, vật chất mà còn là kiệm thời gian, kiệm sức dân, kiệm nhân tài, chất xám, kiệm xương máu của nhân dân - Bác yêu cầu đánh sao cho sự tổn hại ở mức thấp nhất. Kiệm lời theo phương châm "nói ít, bắt đầu bằng hành động".

Bác cho rằng "cần" với "kiệm" phải đi đôi với nhau như 2 chân của một con người.

Chữ "liêm" là liêm khiết, là trong sạch, không tham lam, vơ vét của công và của dân, một phẩm chất không thể thiếu của người cách mạng. Thiếu nó thì cán bộ biến thành sâu mọt của dân. Bác chỉ rõ: "Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...".

Đối với chữ "chính", Bác cho rằng: Chính là không tà, người có đức chính là thẳng thắn, đúng mực, biết bảo vệ lẽ phải, là người "vì dân chứ không vì mình".

Bác Hồ coi việc thực hành tứ đức sẽ tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của dân tộc. Chính Bác là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về "cần, kiệm, liêm, chính". Và trong suốt quá trình lãnh đạo, Bác luôn phát động phong trào thi đua ái quốc nhằm hội tụ tiềm lực, sức mạnh để chiến thắng thực dân, đế quốc.

Bác Hồ coi tiết kiệm là quy luật đi lên của đất nước và cho rằng: Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.

Xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, ở mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác phòng chống lãng phí, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và 2013 với những quy định về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, về giám sát và chế tài khá rõ. Hiến pháp 2013 đã quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước".

Gần đây, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng chống lãng phí đã được người dân đồng tình, hưởng ứng. Tổng Bí thư cho rằng trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng chống lãng phí đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương và cấp bách.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số dạng thức lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Đó là sự lãng phí các nguồn lực do điểm nghẽn về thể chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới. Lãng phí thời gian, công sức do thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả... Lãng phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, bối cảnh tình hình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số giải pháp trọng tâm. Trước hết về nhận thức, xem đây là cuộc chiến "chống giặc nội xâm", nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là sự nêu gương của người đứng đầu... Tập trung hoàn thiện thể chế gắn với kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm gây lãng phí tài sản công... Xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Đối với cán bộ, đảng viên, việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, gắn với công tác xây dựng Đảng, gắn với việc thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị "Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới". Quy định 144 nêu rõ 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng, trong đó "cần, kiệm, liêm, chính" là chuẩn mực tập trung, quan trọng.

Hiện nay tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị đang khẩn trương cho việc sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây được xem là một cuộc cách mạng, đòi hỏi sự đồng thuận và tinh thần nhân văn cao vì lợi ích chung. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, chúng ta có lòng tin công cuộc đấu tranh phòng chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực sẽ có những thành tựu mới để huy động mọi nguồn lực đưa đất nước tiến đến mạnh giàu.

Ý chí, niềm tin, khát vọng đang nâng bước chúng ta.

Chuyển biến tích cực

Thời gian qua, đất nước đã có nhiều tiến bộ trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống lãng phí. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên, việc sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

PHẠM PHƯƠNG THẢO - nguyên Phó Bí thư Thành ủy,
nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM

(Dẫn nguồn NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tao-nguon-dau-tu-cho-phat-trien-post309860.html