Tạo ra động lực mới, đột phá để Nghệ An, Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững

Thảo luận tại tổ chiều 31.5, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Với các chính sách đã được đề xuất, các đại biểu tin tưởng, sẽ tạo ra động mới và đột phá để Nghệ An, Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương):
Tạo đột phá để Đà Nẵng phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng

Tôi tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước, trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Đà Nẵng; đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, nhất là phải tạo ra động lực mới, đột phá để Đà Nẵng phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu

Việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới sẽ góp phần đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Chính sách này đã được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh và hiện đang được thể hiện tương tự tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, cần bổ sung chi tiết, cụ thể một số nội dung để thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện. Ví dụ như việc miễn trừ trách nhiệm đối với các thành viên của Ủy ban và Ban quản lý khu vực công nghệ cao nếu thực hiện chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ không đạt yêu cầu… cần quy định rõ ràng, tránh tạo kẽ hở, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang):
Phải có cam kết đầu tư dài hạn, kế hoạch phát triển bền vững

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, tôi cho rằng, ngoài 6 nhóm tiêu chí phải đáp ứng, thì cần nghiên cứu bổ sung thêm điều kiện phải có cam kết bằng văn bản về hợp tác với doanh nghiệp của địa phương. Đây là điều rất quan trọng nhằm chuyển giao công nghệ, kiến thức, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đồng thời hỗ trợ phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu

Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại TP. Đà Nẵng. Điều này sẽ bao gồm cả việc các nhà đầu tư chiến lược phải tham gia vào việc thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển; tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học quan trọng của thành phố.

Tôi tán thành với các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp lợi dụng điều này để trục lợi, rồi chuyển tới địa phương khác để hưởng ưu đãi. Do đó, cũng cần phải bổ sung cơ chế, chế tài để tránh trường hợp sau một thời gian khi được giảm, miễn thuế thì các doanh nghiệp lại ngừng hoạt động, tạo ra sự lãng phí về đầu tư cũng như gây xáo trộn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An):
Chính sách được đánh giá tác động kỹ lưỡng, có tính khả thi cao

Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nghệ An. Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30.7.2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Bộ Chính trị đã có tổng kết, đánh giá, bên cạnh thành tựu đạt được rất lớn, thì có những hạn chế, trong đó có hạn chế liên quan đến chính sách.

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu

Năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ, tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ. Đồng thời xác định giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An. Sinh thời, Bác Hồ cũng mong muốn, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An quyết tâm xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá của miền Bắc.

Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh Nghệ An, là vùng đất có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa, tiềm năng có rất nhiều, nhưng Nghệ An vẫn là tỉnh còn có nhiều khó khăn. Cho nên, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết.

Trước đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù của Nghệ An. Các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết này đã được tỉnh Nghệ An triển khai rất cụ thể và bước đầu đạt được kết quả. Dự thảo Nghị quyết lần này bổ sung 14 chính sách lớn trên 4 lĩnh vực rất cần thiết và kịp thời, được Chính phủ đánh giá tác động rất kỹ lưỡng và có tính khả thi cao.

Qua nghiên cứu các chính sách này, chúng tôi nhận thấy, việc phân quyền, giao nhiệm vụ cho tỉnh Nghệ An có tính chủ động rất cao. Đây là một chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, tôi quan tâm vấn đề nguồn lực đầu tư cho Nghệ An. Theo dự thảo Nghị quyết, tỉnh được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu nhưng lại ở giai đoạn 2026 - 2030. Như vậy, khi Nghị quyết ban hành, Nghệ An vẫn phải chờ thì mới được tiếp cận chính sách này.

Liên quan đến chính sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Đây là chính sách rất hay, “tỉnh giàu giúp cho tỉnh nghèo, huyện giàu giúp cho huyện nghèo, xã giàu giúp cho xã nghèo”, tạo điều kiện cho các tỉnh có điều kiện tiếp sức cho tỉnh Nghệ An phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở tỉnh Nghệ An hầu hết là các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao; nên chăng không chỉ giới hạn ở huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An mà có thể cơ động hơn, mở rộng thêm cho các huyện khác trong tỉnh, vì dự thảo Nghị quyết cũng đã xác định các mục tiêu, tiêu chí cụ thể khi hỗ trợ.

N. Thành - M. Trang - H. Ngọc ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tao-ra-dong-luc-moi-dot-pha-de-nghe-an-da-nang-phat-trien-nhanh-ben-vung-i373612/