Tạo sắc màu dân gian trong trường học
Những hoạt động đậm chất dân gian với không khí vui tươi, ấm áp giúp người tham gia có dịp quay trở về với các giá trị truyền thống.
Cách tổ chức cho học sinh vui đón Tết cổ truyền của nhiều trường học tại Thái Nguyên đã tạo ra những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa.
Đem Tết đến trường
Những ngày kết thúc học kỳ I cũng là lúc thầy và trò các trường hào hứng chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Với nhiều trường học của Thái Nguyên, Tết đã rộn ràng trong niềm vui ấm áp.
Sân Trường THCS Quang Trung (thành phố Thái Nguyên) tràn ngập tiếng cười nói ríu rít của học sinh trong ngày hội xuân “Khám phá ngày Tết - Gắn kết yêu thương”. Các em được cùng bạn bè, thầy cô, bố mẹ trang trí không gian Tết 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mâm ngũ quả và những bình hoa khiến cho ai cũng cảm thấy lớp học của mình trở nên rạng rỡ hơn. Với sự hướng dẫn của người lớn, các em được tự tay gói bánh chưng, rồi hồi hộp chờ vớt bánh để thưởng thức. Không khí Tết dường như đã về ngay trong sân trường. Những trò chơi dân gian thú vị như bịt mắt đánh trống, nhảy sạp, đi cà kheo, tung còn… nhanh chóng thu hút và cuốn các em hòa vào niềm vui có phần “lạ lẫm” nhưng vô cùng hấp dẫn.
Một điều ấn tượng nữa trong ngày hội xuân của nhà trường, các gian hàng Tết của học sinh gây quỹ được hơn 48 triệu đồng để hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Các em không chỉ được trải nghiệm về chợ Tết, mà còn thấm thía sâu sắc bài học về sự đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau qua hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Tại Trường MN BonBee (thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên), chương trình “Tết gõ cửa” mang nhiều màu sắc mới mẻ, giúp trẻ và gia đình có những ngày thực sự ấm áp niềm vui. Không chỉ đưa trẻ đi du xuân ở địa điểm ấn tượng như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hay Quảng trường Võ Nguyên Giáp, các cô còn có buổi trò chuyện với bé về ngày Tết cũng như những lời chúc đầu xuân; tổ chức cho các bé cùng xem, tham dự việc gói bánh, luộc bánh chưng và thưởng thức. Cùng nhau hào hứng chơi các trò như ô ăn quan, que chuyền, nặn tò he, rồi chụp ảnh với hoa và tranh Tết; tìm hiểu các gian hàng quê, các bé như được khám phá một thế giới đầy mới lạ và kỳ thú.
Lưu giữ những nét đẹp truyền thống
Điều có thể cảm nhận rõ nhất qua những hoạt động hội xuân của các nhà trường chính là niềm vui mà học sinh được đón nhận. Niềm vui ấy đến từ sự khám phá, được trải nghiệm. Đáng quý hơn, niềm vui ấy còn gắn với những nét đẹp truyền thống giàu ý nghĩa mà các em được tìm hiểu, lưu giữ.
“Chưa bao giờ em được tham gia chương trình vui như thế này. Em thích nhất là được tự mình làm bánh chưng, rồi thuyết trình với các bạn về ý nghĩa ngày Tết. Dịp này, chúng em cũng được giao lưu và kết bạn với các lớp khác mà hằng ngày đi học chưa có dịp thân thiết với nhau” - em Nguyễn Thảo Linh, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Quang Trung hào hứng với nhiều trải nghiệm tại ngày hội.
Là phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Quang Trung, chị Nguyễn Thị Mai cùng phụ huynh khác trong lớp giúp các con lên kế hoạch chuẩn bị và trực tiếp tham gia ngày hội. Việc bố mẹ đồng hành cùng con đem lại nhiều niềm vui đáng nhớ cho mỗi gia đình ngay trước thềm xuân mới. “Bận rộn hơn một chút, nhưng chúng tôi thấy rất ý nghĩa. Các con được dịp tìm hiểu về Tết, ý thức hơn về những điều đáng quý từ xa xưa ông bà truyền lại. Dù bận đến đâu nhưng nhà trường tổ chức những hoạt động như thế này, tôi luôn sẵn sàng tham gia” - chị Mai bộc bạch.
Nói về ý nghĩa của hoạt động này, cô Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung vui mừng chia sẻ: Chúng tôi vui vì thấy học trò của mình thực sự vui. Qua hội xuân này, các em càng có dịp để gắn kết với nhau hơn, khi mà hằng ngày chủ yếu lo việc học hành, hôm nay được cùng nhau chuẩn bị, làm, rồi ăn với nhau một bữa cơm trưa ấm cúng. Được chơi, được tự mình tìm hiểu, các em đã chạm vào không khí Tết cổ truyền, từ đó cảm nhận, lưu giữ nó một cách thật nhẹ nhàng, tự nhiên.
Trao đổi về việc tổ chức các hoạt động đón xuân cho trẻ, các cô giáo Trường Mầm non BonBee cho biết: Nhà trường mong muốn các bé được khám phá không khí ngày Tết cổ truyền phù hợp lứa tuổi, đồng thời vẫn hướng vào mục tiêu giáo dục mang nhiều ý nghĩa. Thông qua việc tham gia các hoạt động mới mẻ thú vị, cùng với cuộc trò chuyện, giới thiệu của các cô, trẻ dần có những ấn tượng và cảm nhận về không khí ngày Tết cổ truyền, bên cạnh việc phát triển các kĩ năng.
“Không gian trưng bày và trò chơi dân gian của nhà trường nhằm tái hiện không khí và nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Các gian chợ quê không chỉ giới thiệu sản vật, mà còn giúp trẻ bước đầu hình dung về công việc trao đổi mua bán. Góc giao lưu thực hành tạo điều kiện cho các bé phát triển tư duy, kĩ năng, thẩm mỹ, khơi gợi hứng thú và sáng tạo” - cô Ngô Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non BonBee chia sẻ thêm về mong muốn của nhà trường khi tổ chức các hoạt động này.
Có thể thấy, cách đón Tết cổ truyền đậm màu sắc dân gian trong các nhà trường là một cách giáo dục vừa thú vị vừa giàu ý nghĩa. Hơn nữa, trong bối cảnh đời sống hiện đại phát triển với tốc độ chóng mặt, việc quay trở về với những giá trị truyền thống cũng là cách “sống chậm” cần thiết, nhất là với các bạn trẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/tao-sac-mau-dan-gian-trong-truong-hoc-4yaZlUYMg.html