Tạo sản phẩm du lịch khác biệt

Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, có nhiều di tích đã được vinh danh là di sản văn hóa thế giới và di tích quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh ấy không chỉ khẳng định tầm vóc của di tích mà còn mở ra 'cơ hội' để các địa phương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút du khách tham quan, khám phá.

Du khách tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Du khách tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Giữa không gian khoáng đạt, ngập tràn nắng gió và rợp bóng cây xanh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện ra đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Đến nay, trải qua 13 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Lam Kinh không chỉ “hồi sinh” về diện mạo, với những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc bậc nhất xứ Thanh, mà trong những năm qua ban quản lý khu di tích còn không ngừng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách đến tham quan, khám phá.

Bởi vậy, khi đến Lam Kinh, du khách không chỉ được tham quan các công trình kiến trúc như nghinh môn, sân rồng, chính điện, các tòa thái miếu...; thăm viếng nơi an nghỉ của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ, mà còn được khám phá những câu chuyện “kỳ bí” đầy cuốn hút và trải nghiệm sản phẩm du lịch xanh hấp dẫn tại Lam Kinh.

Đầu tiên, qua lời kể đầy sức cuốn hút của các hướng dẫn viên, du khách sẽ được khám phá câu chuyện về “cây lim hiến thân”. Đây là một cây lim cổ thụ, được cho là đã sống khoảng 600 năm, vào thời điểm dự án phục dựng chính điện Lam Kinh được phê duyệt, cây đã tự rụng lá và chết một cách bất thường. Do đó, nhiều người cho rằng cây lim đã “hiến thân” để giúp cho việc phục dựng chính điện, đặc biệt là việc sử dụng thân cây để làm một số hạng mục khác trong công trình. Tiếp đó, du khách sẽ được nghe câu chuyện về “cây ổi cười” hết sức kỳ bí. Cây ổi đặc biệt này nằm bên phải khu lăng mộ Vua Lê Thái Tổ, tán rộng uốn lượn theo thế rồng chầu, tỏa ra hương thơm quyến rũ khi đến mùa chín quả. Điều đặc biệt của cây ổi là khi du khách đưa tay xoa nhẹ vào thân cây, các tán lá sẽ rung rinh như đang cười. Khi du khách nắm tay vào cành cây ổi và nhắm mắt tĩnh tâm, sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, giống như có một luồng năng lượng được truyền qua cây ổi vào người mình... Chính những điều hết sức kỳ bí này đã kích thích trí tò mò và làm nên sức hút du khách đến với Lam Kinh.

Ngoài ra, tại đây còn có trên 100ha rừng tự nhiên, và khoảng 300 - 400 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như lim, lát, dổi và nhiều loài dược liệu quý. Thời gian qua, ban quản lý khu di tích đã tích cực xây dựng Lam Kinh thành điểm đến xanh hấp dẫn du khách. Đồng thời, hướng đến khai thác các điểm đến tại Lam Kinh gắn với các di tích phụ cận nhằm làm tăng sức hấp dẫn của điểm đến. Nổi bật nhất là một số tour du lịch như: Điện cổ thành xưa; Lam Kinh - miền đất cội nguồn tâm linh; Lam Kinh - linh thiêng miền di sản...

Thành Nhà Hồ nằm ở xã Tây Đô, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị - xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm với bao biến cố lịch sử, thành vẫn nguyên giá trị và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011. Từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như trưng bày “Hiện vật ngoài trời”, “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”, với mục đích trưng bày và giới thiệu đến du khách các hiện vật đá được khai quật trong khu vực thành, đặc biệt là các chân tảng đá và vật liệu trang trí cung điện; các nông cụ canh tác truyền thống... Đặc biệt, trung tâm còn đưa các di tích trong vùng đệm vào chương trình tham quan tại di sản Thành Nhà Hồ với việc xây dựng 4 tuyến tham quan đó là: Thành Nhà Hồ - về miền di sản; Thành Nhà Hồ - các làng truyền thống; Thành Nhà Hồ - tâm linh vùng đệm; Thành Nhà Hồ - di tích và thắng cảnh vùng đệm.

Mảnh đất xứ Thanh tự hào khi có nhiều di tích được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới và di tích quốc gia đặc biệt như: Thành Nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, hang Con Moong và các di tích phụ cận, Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, đền thờ Lê Hoàn... Để các di tích sau khi được vinh danh ngày càng phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn, trong những năm qua ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà đã chú trọng đến việc đầu tư, tôn tạo và đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, ở nhiều di tích đã chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của du khách... Từ đó, góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của xứ Thanh đến đông đảo bạn bè, du khách.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-san-pham-du-lich-khac-biet-254100.htm