Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng từ mô hình hợp tác của người Lô Lô Chải

Là một tỉnh nằm ở miền núi phía Bắc, nhắc tới Hà Giang, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú nơi cực Bắc của Tổ quốc. Những sườn núi rải đầy hoa tam giác mạch, những kỳ quan thiên nhiên ban tặng và nhất là với những ngôi làng đẹp như cổ tích của đồng bào người dân tộc như Lô Lô Chải đã tạo ra một điểm đến ấn tượng, thú vị trong lòng du khách.

Dấu ấn kiến trúc của những ngôi nhà cổ, mái ngói âm dương, nhà trình tường, hàng rào đá của bản Lô Lô Chải vẫn được bảo tồn nThúy Hạnhguyên vẹn. Ảnh: Thúy Hạnh

Dấu ấn kiến trúc của những ngôi nhà cổ, mái ngói âm dương, nhà trình tường, hàng rào đá của bản Lô Lô Chải vẫn được bảo tồn nThúy Hạnhguyên vẹn. Ảnh: Thúy Hạnh

Để du lịch cộng đồng phát triển, tạo nguồn sinh kế bền vững cho bà con dân tộc nơi đây, người dân Lô Lô Chải đã liên kết với nhau, tạo nên mô hình kinh tế hợp tác du lịch sinh thái, đưa hình ảnh của ngôi làng Lô Lô Chải đến với du khách trong và ngoài nước.

Nằm ngay dưới chân núi Rồng nổi tiếng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngôi làng văn hóa Lô Lô Chải chỉ cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1km. Đây là nơi sinh sống, an cư và lập nghiệp của người Mông và Lô Lô từ bao đời nay. Giờ đây, làng văn hóa Lô Lô Chải đã được xây dựng, trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng nổi bật của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Làng Lô Lô Chải là một làng đẹp như trong truyện cổ tích. Làng ẩn mình giữa những ngọn núi và thung lũng, cùng với những cảnh quan hùng vĩ và đẹp mắt, xen lẫn sắc trắng của hoa mận, hoa ban, sắc hồng của cành đào thắm trước hiên nhà.

Thay đổi nhận thức, tạo thành chuỗi liên kết từ mô hình hợp tác, tạo sinh kế bền vững từ việc cùng nhau giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống thông qua du lịch, là một trong những cách làm hay trong phát triển cộng đồng của người Lô Lô Chải ở Hà Giang.

Các dân tộc nơi đây sinh sống theo phương thức tự cung, tự cấp. Bước vào làng cổ tích này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh tuyệt đẹp màu xanh thăm thẳm, lọt thỏm giữa những triền đá tai mèo sắc nhọn. Trong điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, làng Lô Lô Chải vẫn đẹp như cổ tích. Với hơn 90% dân cư trong làng là người Lô Lô, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng người dân tộc Lô Lô. Điểm nhấn của làng Lô Lô Chải là màu sắc văn hóa đặc trưng qua những ngôi nhà trình tường được làm từ đất đã bạc màu theo thời gian, cặp trống đồng một đực, một cái, gắn liền với những điệu nhảy truyền thống, tấm vải đỏ thờ ma cửa và những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Làng Lô Lô Chải sở hữu riêng cho mình một cảnh quan khác lạ, vừa thô ráp, vừa bình dị.

Là một người dân sinh sống ở làng và cũng là thành viên của Hợp tác xã du lịch Lô Lô Chải, anh Dìu Dỉ Thuế đã biết thế nào là làm du lịch cộng đồng. Ngôi làng Lô Lô Chải hơn 10 năm trở lại đây đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, khi đặt chân tới Hà Giang. Anh Thuế tâm sự: “Tổ hợp tác của chúng tôi cùng nhau xây dựng cho Lô Lô Chải ngày càng sạch đẹp hơn. Chúng tôi hỗ trợ cho nhau, để nhà nào cũng có khách. Từ đó, đem lại thu nhập ổn định cho tất cả các gia đình ở đây”.

Tiêu chí "5 không, 3 sạch" được các thành viên trong hợp tác xã tuân thủ theo chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đây cũng là tiêu chí mà Hợp tác xã du lịch Lô Lô Chải yêu cầu các thành viên phải thực hiện để môi trường trong lành, ngôi làng sạch sẽ, thu hút được nhiều hơn nữa khách du lịch ghé thăm. Làng Lô Lô Chải có 119 hộ với hơn 540 nhân khẩu. Trong đó, có 5 hộ kinh doanh nhà hàng, hơn 40 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Mỗi căn nhà homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống. Không gian sinh hoạt chung, bàn uống nước, hệ thống nhà vệ sinh được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà. Ngày làng đông khách nhất thường vào dịp cuối tuần, lễ, Tết, khi đó lên tới 600 người. Ngày thường, trung bình có 100-200 lượt khách lưu trú.

Những phụ nữ dân tộc Mông trong trang phục truyền thống, đón chào khách với nụ cười tươi thắm. Ảnh: Thúy Hạnh

Những phụ nữ dân tộc Mông trong trang phục truyền thống, đón chào khách với nụ cười tươi thắm. Ảnh: Thúy Hạnh

Anh Thuế nói thêm: “Homestay ở đây có phòng cho nhiều người và cả phòng riêng. Khách lưu trú ở đây cũng có thể ăn uống cùng gia đình với những món ăn phổ biến của người Lô Lô, cùng vui chơi và múa hát văn nghệ truyền thống của bản làng”. Lễ hội truyền thống vẫn thường xuyên được tổ chức trong bản làng, thu hút sự chú ý của lượng lớn du khách trong và ngoài nước, như: lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần rừng, lễ mừng nhà mới và nhất là các điệu múa dân gian truyền thống. Đặc biệt, đối với đồng bào Lô Lô đã có hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là, lễ cúng tổ tiên và thêu thổ cẩm.

Làng có lợi thế là nằm trọn trong khu rừng lớn. Con đường đến bản chưa được đầu tư xây dựng, nên người dân và khách du lịch đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều đó không làm khó được những vị khách du lịch ưa thích trải nghiệm. Để thu hút được khách du lịch tới nhiều hơn nữa, hợp tác xã đã chọn chính điểm nổi bật của làng để tạo nên điểm khác biệt. Tới bản, du khách có thể trải nghiệm sản vật do người dân ở đây tự cung, tự cấp, lúa, ngô, rau và gia súc... được nuôi trồng theo phương thức tự nhiên, ít can thiệp của hóa chất. Cho đến khi khách du lịch tới đông hơn, các thành viên trong hợp tác xã sản xuất nhiều hơn, nhưng vẫn tuân thủ sản xuất an toàn, nói không với hóa chất.

Anh Thuế chia sẻ: “Ngày trước, tôi nuôi gia cầm để phục vụ gia đình thôi. Nhưng từ ngày có nhiều khách du lịch tới, tôi nuôi mấy nghìn con gà đẻ trứng để phục vụ du khách”. Còn anh Ly Mi Pó vui vẻ nói: “Nhà tôi nuôi cả lợn, trâu và bò, giờ thì nhu cầu cần nhiều hơn nên nuôi đến đâu, tôi cũng bán hết và không cần chở đi chợ xa để bán như trước đây nữa. Kinh tế gia đình tôi đã khá hơn trước đây rồi”.

Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, để bảo tồn được kiến trúc truyền thống ở Lô Lô Chải như hiện nay là không dễ, vì có thời điểm người dân thích sửa theo ý mình. Qua sự kiên trì tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người dân đã dần hiểu. Hiện nay, họ đã có thể sống bằng du lịch, với thu nhập trung bình mỗi hộ gia đình là 20 đến 30 triệu đồng/tháng.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-sinh-ke-ben-vung-cho-cong-dong-tu-mo-hinh-hop-tac-cua-nguoi-lo-lo-chai-post476306.html