Tạo sinh kế dưới tán rừng để khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cần tiếp cận với tư duy tạo ra sinh kế dưới tán rừng để từ đó rừng sẽ sống động hơn, chứ không phải chỉ tiếp cận bằng một nguồn duy nhất là kinh phí thuê bảo vệ rừng hay khoán bảo vệ rừng.
Nhiều địa phương còn nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng
Chiều 6/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân về việc có tình trạng nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn và một số tỉnh liên quan chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chương trình này.
Đến năm 2020, bộ vẫn cấp ngân sách bình thường cho các địa phương vùng I, II, III, nhưng sau khi có chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, theo chỉ đạo của Chính phủ chuyển vùng II, vùng III sang chương trình mục tiêu quốc gia, việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng cho hai khu vực này bị chậm.
“Như vậy, chúng ta nợ 2 vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (vùng II và III). Lẽ ra bà con phải nhận được kinh phí này từ năm 2021. Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi cũng có thiếu sót với người dân các địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp để sớm trình Thủ tướng cấp bù kinh phí cho các địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tranh luận thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, tình trạng nợ tiền khoán bảo vệ rừng không chỉ xảy ra ở Bắc Kạn mà diễn ra ở tất cả các tỉnh có rừng, đây là nợ của Chính phủ và Nhà nước với công tác bảo vệ rừng của người dân. Do đó, vấn đề này cần được giải quyết.
Theo đại biểu, công tác bảo vệ rừng vừa qua cần xem xét lại, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 100 về 5 triệu ha rừng, tiền bảo vệ rừng được ghi là vốn sự nghiệp và chi hằng năm. Nhưng hiện nay, nội dung này lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc. Về định mức, đại biểu Thành cho rằng việc sửa các nghị định rất chậm.
“Nguồn chi cho công tác này không thống nhất, định mức cần nâng lên, kể cả nâng lên 400.000-600.000 đồng/ha/năm cũng là rất ít, nhất là người dân phải qua khâu thuê khoán lại từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn nên nguồn định mức đến người dân rất ít. Do đó, việc này cần phải được làm rõ”, đại biểu Thành nhấn mạnh.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ mức 1,1-1,3 triệu đồng/ha/năm, căn cứ vào đơn giá định mức. Nhưng nguồn lực hạn chế nên “con số dừng lại ở sự thống nhất giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính”. Do đó, mức cuối cùng được đưa ra là 400.000-600.000 đồng, chưa bằng một nửa con số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình.
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng cần phải tiếp cận bằng mọi cách khác ngoài kinh phí bảo vệ rừng, đó là tạo ra sinh kế dưới tán rừng để khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng, và để Ban quản lý rừng và ngay cả lực lượng kiểm lâm cũng có nhiều việc làm.
“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị trình với Chính phủ trong sửa đổi nghị định về liên quan tới lâm nghiệp và đầu tư lâm nghiệp là phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghĩa là chúng ta làm tổng hợp. Cách tiếp cận là làm sao tạo ra nhiều việc làm với sinh kế để bù lại vào khoản chưa đủ với phần bỏ ra của bà con bảo vệ rừng. Tôi tin rằng khi tiếp cận với tư duy đó thì rừng sẽ sống động hơn chứ không phải chỉ tiếp cận bằng một nguồn duy nhất là kinh phí thuê bảo vệ rừng hay khoán bảo vệ rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Linh hoạt điều chỉnh các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu vấn đề thời gian qua, việc tổ chức thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, cử tri có ý kiến về quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung ở các xã miền núi là rất khó khăn, không khả thi. Đại biểu hỏi quan điểm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này và giải pháp.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau khi có nhiều kiến nghị của địa phương về một số tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Kỳ Sơn (Nghệ An) và nhận thấy nhiều vấn đề.
Theo đó, bộ đã có báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và xin điều chỉnh 31 tiêu chí, phù hợp các đặc điểm của các vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có các tiêu chí về việc làm, giáo dục, nước sạch…
“Chúng ta mong muốn các tiêu chí dựa trên đời sống vật chất nhưng thực tiễn, chúng tôi đã đến và đối thoại trực tiếp với chủ tịch xã. Từ đó nhận thấy cần linh hoạt điều chỉnh các bộ tiêu chí này với hướng giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng, thẩm định bộ tiêu chí”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, trước đây, tiêu chí xây dựng trên cơ sở ghép từng địa phương vào từng vùng sinh thái, nhưng ngay cả trong một địa phương, các khu vực ven biển hay đồng bằng sẽ dễ thực hiện hơn so các khu vực miền núi.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều chỉnh tiêu chí để sát thực hơn. Đồng thời, bộ cũng sẽ đối thoại với tất cả địa phương ở phía tây dãy Trường Sơn để nhìn nhận điều kiện đặc thù ở vùng núi khác với vùng biển, từ đó đưa ra sự điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp.
Tiến độ di dân khu vực phòng, chống thiên tai còn chậm
Cũng tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm rõ thêm về trách nhiệm việc chậm bố trí tái định cư hơn hơn 47 nghìn hộ dân theo Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, với mục tiêu đến 2025 bố trí ổn định cho hơn 42 nghìn hộ bị ảnh hưởng.
Theo chất vấn của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), tại Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025, cả nước cần bố trí ổn định cho 42 nghìn hộ vùng có nguy cơ thiên tai, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ phục vụ di dân cho 2 nhóm đối tượng, trong đó có nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bộ trưởng thừa nhận tiến độ của việc di dân chậm vì việc này có sự phối hợp của Trung ương với địa phương. Khi đăng ký dự án tái định cư, được Thủ tướng phê duyệt nhưng địa phương không còn quỹ đất để di dời.
Bên cạnh đó, bố trí tái định cư rất khó khăn khi phải bố trí đất sản xuất cho bà con. Ngay cả dự án bố trí dân cư rồi nhưng không phát huy hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, vì lý do sinh kế hoặc không phù hợp tập quán nên bỏ ra ngoài.
“Chúng tôi đang đánh giá lại để làm với các địa phương để hình thành cộng đồng phát triển bền vững, có giải pháp thay thế, không để xây dựng công trình tái định cư rồi không hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, trước kia có tham vọng lập làng xã rộng lớn trong điều kiện diện tích đất của các địa phương đủ, nhưng thường ở vùng sạt lở rất khó khăn về quỹ đất trong chuyển đổi mục đích hình thành các khu tái định cư.
“Vì thế, cần định vị lại chủ trương này. Chúng tôi đang trình Chính phủ tìm ra cách bố trí tái định cư cho đối tượng đặc thù này, không nhất thiết phải cấp đất sản xuất mà có thể tạo ra cộng đồng, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.