Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành trong tỉnh, nhiều mô hình tạo sinh kế được triển khai thực hiện, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thêm điều kiện, cơ hội tập trung phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân bản Cá Nọi, xã Pù Nhi (Mường Lát) chăn nuôi trâu sinh sản.

Thực tế cho thấy, từ “đòn bẩy” của việc triển khai hiệu quả các mô hình sinh kế, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã từng bước từ bỏ dần những hủ tục, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung làm kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu. Nhiều địa phương có cách làm hay, các hộ nghèo có ý thức vươn lên, làm chủ cuộc sống được ghi nhận, biểu dương.

Cùng với Xía Nọi, Mùa Xuân là một trong hai bản Mông còn nhiều khó khăn của xã biên giới Sơn Thủy (Quan Sơn), bản nằm lọt trong một thung lũng trên đỉnh núi cao, bao bọc bốn bề là rừng núi. Cuộc sống bà con từ bao đời nay luôn quẩn quanh với đói nghèo, nhờ được thường xuyên cấp thóc, ngô giống, nhiều gia đình không còn trông chờ gạo cứu đói. Dù vậy, canh tác nhỏ lẻ, manh mún khiến năng suất lúa, ngô cũng giảm đi nhiều. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án, chính sách với mong muốn hỗ trợ tạo sinh kế, góp phần giúp dân bản từng bước giảm bớt khó khăn. Thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển sản xuất (giai đoạn 2021 - 2025), năm 2022 huyện hỗ trợ giống cây, con cho dân bản tham gia dự án nuôi lợn đen sinh sản với 14 hộ thực hiện thí điểm, sau đó một năm tiếp tục triển khai mô hình trồng đào, thu hút 13 hộ tham gia. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp địa phương, người dân nắm bắt được kỹ thuật trong nuôi trồng, từ đó duy trì và phát triển mô hình sản xuất...

Anh Thao Văn Lâu, bí thư kiêm trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo, cho biết: Cũng như bao bản người Mông khác trên địa bàn, kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào ít lúa nương, lấy măng, làm nan thuê..., chăn nuôi chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Lương thực từ những nương lúa cằn cỗi chỉ đủ ăn trong vài tháng, còn lại là nhờ vào sự cứu trợ của Nhà nước, đặc biệt vào những dịp giáp hạt. Tuy vậy, đến nay thu nhập, kinh tế của bà con đã từng bước được cải thiện. Hàng năm, cùng với việc vận động, tuyên truyền dân bản thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận các mô hình sản xuất mới, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, tiếp tục thực hiện các dự án hiện có và triển khai các dự án mới. Một số tập tục canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu từng bước được loại bỏ, người dân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 420 triệu đồng, đầu tư, phát triển kinh tế thông qua các mô hình: trồng khoai mán, nuôi lợn, bò sinh sản, trồng lúa nước 2 vụ, trồng đào... Trong đó mô hình trồng khoai mán của hộ gia đình anh Thao Văn Sử và Thao Văn Chu được triển khai trồng thí điểm từ tháng 4/2024. Nếu đạt năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra, trong thời gian tới khoai mán sẽ được trồng đại trà, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con trong bản.

Sắn nguyên liệu phục vụ chế biến của người dân bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát).

Với vai trò là cầu nối thiết thực, hiệu quả, hàng năm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát đã triển khai nhiều chương trình, chính sách góp phần vào việc hỗ trợ vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng hành trong đa dạng sinh kế của đồng bào DTTS. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt hơn 300 tỷ đồng với 5.021 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ (trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm cho hộ nghèo đạt trên 131 tỷ đồng). Điển hình như các xã Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý. Các hộ sau khi được vay vốn từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi bò, trâu sinh sản, nâng cao thu nhập.

“Mường Lát là huyện miền núi biên giới có địa hình đồi núi phức tạp, hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí không đồng đều, đồng bào DTTS chiếm 95,2% dân số, tỉ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Nhằm tạo sinh kế, tháo gỡ khó khăn, nâng cao đời sống người dân, cũng như lựa chọn các loại cây, con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất khi triển khai, thời gian qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nguồn lực cho từng địa bàn. Theo đó, tổng vốn phân bổ thực hiện dự án đa dạng sinh kế, phát triển kinh tế trên địa bàn là trên 8,2 tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại đạt 86%. Từ nguồn kinh phí được phân bổ, UBND các xã, thị trấn đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, người dân nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Từ đó, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, do xuất phát điểm còn thấp nên việc sản xuất, phát triển kinh tế của bà con vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất còn thấp...”, ông Bùi Thanh Lĩnh, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, thông tin.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tao-sinh-ke-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-31529.htm