Tạo sinh kế giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong mãn hạn tù như vòng tay ấm áp dang rộng đón những người lầm lỡ trở lại hòa nhập cộng đồng. Họ có thể vay để học nghề, để tạo sinh kế cho tương lai…

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22) ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, bắt đầu từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH lên đến 100 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Hằng (thứ 3 từ phải qua) thôn Đồng Ván, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) được vay 60 triệu đồng từ vốn Ngân hàng CSXH trồng táo ngọt.

Chị Nguyễn Thị Hằng (thứ 3 từ phải qua) thôn Đồng Ván, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) được vay 60 triệu đồng từ vốn Ngân hàng CSXH trồng táo ngọt.

Đây được xem là cánh cửa mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Từ năm 2021 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Dương đã thí điểm triển khai cho 6 người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng trong huyện với tổng số tiền 510 triệu đồng để tạo việc làm phát triển sản xuất.

Trở về địa phương vào năm 2023 sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội mua bán động vật hoang dã, ông Nguyễn Văn Thành, thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) đã nỗ lực rèn luyện thành công dân tốt.

Tuy nhiên, sau những ngày chịu án gia đình không có lao động nên thu nhập cũng hạn hẹp, thiếu vốn để phát triển sản xuất. Khi Quyết định số 22 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, ông may mắn là một trong những người đầu tiên của huyện Sơn Dương được tiếp cận và được vay số tiền 100 triệu đồng. Với số vốn này, gia đình ông Thành đã đầu tư mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm.

Ông Thành chia sẻ: "Tôi rất cảm ơn chính sách của Nhà nước cũng như Ngân hàng CSXH huyện, tỉnh và chính quyền, đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện cho tôi có nguồn vốn để bước đầu tiên tái hòa nhập cộng đồng. Tôi đã cố gắng sử dụng nguồn vốn để mang lại hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình". Hiện nay, ông Thành có 5 gian chuồng trại, nuôi 30 con lợn thương phẩm và 2 nái và kết hợp với phục vụ ăn sáng, tạo việc làm ổn định cho hai vợ chồng.

Giống như ông Thành, chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Đồng Ván, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) được vay 60 triệu đồng từ vốn Ngân hàng CSXH về đầu tư trồng táo, nhãn lồng. Chị Hằng cho biết: “Hai vợ chồng tôi muốn kiếm tiền nhanh nên đã làm thư ký lô đề. Sau khi mãn hạn về địa phương, tôi đã quyết tâm làm lại và phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Hiện gia đình có 4 sào táo Đài Loan và trên 100 gốc nhãn lồng giống Hưng Yên. Hy vọng cuộc sống sẽ dần ổn định. Từ có vốn gia đình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tôi biết ơn vì Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến những người như chúng tôi để chúng tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) vay Ngân hàng CSXH 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) vay Ngân hàng CSXH 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.

Huyện Hàm Yên có 13 người mãn hạn tù tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế với tổng số 970 triệu đồng. Theo bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Phó Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên, để phát huy hiệu quả chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người mãn hạn tù theo Quyết định 22, Phòng giao dịch đang phối hợp với Công an huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương triển khai tuyên truyền, thẩm định, xác minh các đối tượng mãn hạn tù về địa phương có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất để tiếp tục cho vay. Qua đó tạo điều kiện để người lầm lỗi có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Sau khi mãn hạn tù về địa phương, anh Lê Tuấn Anh, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) được vay 100 triệu đồng làm vốn đầu tư trồng chanh. Anh Tuấn Anh bày tỏ: “Những người lầm lỡ như tôi rất mong có sự quan tâm như thế này để có cơ hội làm lại, hơn nữa thấy được sự quan tâm của cộng đồng, không bị bỏ lại phía sau để tiếp tục cố gắng”.

Ông Phan Văn Vỹ, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời.

Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh để xin kế hoạch vốn của Trung ương. Về mức cho vay cũng thực hiện theo đúng Quyết định 22 và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội. "Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu cao nhất và nhanh nhất đối với các nhóm đối tượng này" - ông Phan Văn Vỹ nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tao-sinh-ke-giup-nguoi-lam-loi-tai-hoa-nhap-cong-dong-194042.html