Tạo sự minh bạch, thuận lợi cho người dân khi công chứng giao dịch

Nhận thấy Luật Công chứng là luật hình thức, tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là phù hợp và tránh chồng lấn với các luật nội dung.

Bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo số 3113/BC-UBPL15 của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nội dung liên quan đến các loại giao dịch phải công chứng hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành về việc không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định bắt buộc công chứng Điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hợp đồng góp vốn và các biên bản họp Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật nước ta cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng... Quy định như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong đời sống dân sự, kinh tế. Luật Công chứng hiện hành và dự thảo Luật đang tập trung điều chỉnh các vấn đề về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng mà không quy định về các giao dịch phải công chứng. Vấn đề này hiện được quy định trong các văn bản luật có liên quan.

Nhận thấy Luật Công chứng là luật hình thức chỉ để tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, loại giao dịch nào thuộc đối tượng phải công chứng thì do luật nội dung điều chỉnh lĩnh vực đó quy định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm dẫn chứng, một số luật hiện nay cũng đã thể hiện rõ nguyên tắc này như Luật Đất đai 2024 (tại khoản 3 Điều 27), Luật Nhà ở (sửa đổi) (tại Điều 164), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) (tại khoản 4, 5, 6 Điều 44). Đồng thời, theo đại biểu, khi xây dựng các luật về nội dung mà có quy định liên quan đến các giao dịch bắt buộc phải công chứng thì cơ quan trình có trách nhiệm rà soát xác định cụ thể các loại giao dịch nào buộc phải công chứng nhằm bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.

Xây dựng dữ liệu về các giao dịch phải công chứng, chứng thực

Trong trường hợp nếu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các giao dịch phải công chứng trên cơ sở tổng hợp các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành, đồng thời quy định mở về “các giao dịch khác mà pháp luật quy định phải công chứng” để dự liệu tình huống phát sinh yêu cầu mới về giao dịch bắt buộc phải công chứng, “thì vẫn chưa khắc phục được bất cập là phạm vi thực hiện công chứng vẫn đang được quy định cả trong Luật Công chứng và các văn bản khác”. Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc quy định về phạm vi các giao dịch phải công chứng chỉ quy định trong các luật nội dung là phù hợp hơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) bày tỏ thống nhất với nội dung như dự thảo Luật Chính phủ trình là không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng. Lý lẽ là bởi Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng và không điều chỉnh các loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với các luật nội dung, gây ra sự thiếu ổn định của Luật Công chứng khi các luật nội dung thay đổi phạm vị giao dịch phải công chứng.

Ở góc độ khác, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay việc quy định các loại giao dịch phải công chứng đang được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho người dân trong việc xây dựng pháp luật vì khó có thể biết được đầy đủ giao dịch nào được công chứng và giao dịch nào không nhất thiết phải công chứng.

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, để tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng giao dịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế việc lạm dụng và gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân, đại biểu Hà Phước Thắng thống nhất bổ sung vào Điều 71 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp quy định pháp luật hiện hành để xây dựng dữ liệu về các giao dịch phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; thường xuyên rà soát, cập nhật, công bố dữ liệu này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để bảo đảm đầy đủ, chính xác, công khai.

Cũng nhất trí bổ sung quy định trên vào Điều 71 dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa vai trò của các cơ sở dữ liệu quốc gia để cắt giảm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền cắt giảm quy định về các giao dịch bắt buộc phải công chứng nhằm tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp.

Quy định theo hướng này, theo các đại biểu, sẽ đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch, tạo thuận lợi trong áp dụng pháp luật; đồng thời, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, tránh trường hợp các luật, nghị định, thông tư sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến giao dịch được công chứng thì cũng phải sửa đổi Luật Công chứng để bảo đảm đồng bộ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định về giao dịch bắt buộc phải công chứng theo thẩm quyền.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tao-su-minh-bach-thuan-loi-cho-nguoi-dan-khi-cong-chung-giao-dich-i386187/