Tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn phát triển
BBK -Những năm qua, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ tích cực các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh Bắc Kạn phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã xây dựng được thương hiệu và phát triển bền vững. Qua đó, tạo sức bật cho CNNT phát triển.
Công nhân Công ty TNHH Hà Diệp (TP. Bắc Kạn) kiểm tra chất lượng sản phẩm.
“Bệ đỡ” cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Còn nhớ thời điểm mới thành lập năm 2020, khi đó Công ty TNHH Hà Diệp (TP. Bắc Kạn) chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh trà hoa vàng Bắc Kạn và các sản phẩm trà hoa vàng, trà lá vối dạng túi lọc gặp khá nhiều khó khăn về dây chuyền thiết bị để chế biến bông trà. Thời điểm đó, mặc dù Công ty đã đầu tư kinh phí để mua các thiết bị về phục vụ cho sản xuất, nhưng năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm sau chế biến vẫn chưa thực sự chinh phục được khách hàng ở phân khúc tầm cao…
Cuối năm 2022, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản và thực phẩm”. Cụ thể, Đề án hỗ trợ Công ty TNHH Hà Diệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất trà hoa vàng, gồm 01 máy sấy thăng hoa, với tổng kinh phí hơn 680 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 296 triệu đồng).
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương Bắc Kạn bàn giao thiết bị hỗ trợ phục vụ sản xuất cho Công ty TNHH Hà Diệp.
Chị Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp (TP. Bắc Kạn) chia sẻ: “Từ nguồn của Đề án, Công ty đã đối ứng đầu tư thêm máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến sản phẩm trà hoa vàng, qua đó góp phần nâng công suất chế biến sản phẩm 0,15 tấn trà hoa vàng lên 0,4 tấn trà hoa vàng/năm. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp Công ty tiết kiệm nhân lực, giảm được chi phí mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra cơ hội trong phát triển thị trường tiêu thụ trên cả nước”.
Còn đối với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) trong năm qua liên tiếp đón nhận những tin vui trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tiên là được nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ HTX đầu tư mua sắm 01 máy tự động đóng gói định lượng dạng bột, 01 máy tự động đóng gói định lượng mật ong và 01 máy nghiền công nghiệp với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 297 triệu đồng); tiếp đó, nhóm sản phẩm Tinh bột nghệ nếp đen, nếp đỏ cao cấp của HTX được Bộ Công Thương công nhận và cấp chứng nhận phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Công nhân Công ty TNHH Hà Diệp kiểm tra thông số kỹ thuật trước khi vận hành.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành phấn khởi cho hay: Thông qua sự hỗ trợ đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nghệ nếp đã giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2024, HTX dự kiến sẽ đạt khoảng 90 tấn tinh bột thành phẩm, nghệ thái lát đạt 350 tấn, bột nghệ đạt 300 tấn; HTX tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động địa phương với thu nhập khoảng 06 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hằng năm liên kết trồng, bao tiêu khoảng 5.000 tấn nghệ và 3.000 tấn nông sản khác cho các hộ dân trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân”.
Đối với nguồn khuyến công địa phương, tính riêng trong năm 2023, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản và thực phẩm” đã thực hiện hỗ trợ đầu tư 01 máy sấy nhiệt, 01 máy cắt khúc rau củ quả cho HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh (kinh phí thực hiện là 51,5 triệu đồng). Việc đầu tư máy móc, thiết bị trong chế biến trà bí xanh đã giúp HTX tạo ra sản phẩm trà bí xanh thơm có chất lượng, màu sắc đẹp, giữ được hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của quả bí xanh so với phương pháp sấy thủ công; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.
Thành viên HTX Nông nghiệp Tân Thành thực hiện quy trình sản xuất.
Anh Hoàng Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh bày tỏ: “Hoạt động đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị từ đề án giúp HTX tạo ra sản phẩm mới, có chất lượng với công suất dự kiến khoảng 02 tấn Trà bí xanh thơm/năm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng doanh thu ổn định cho HTX, góp phần tạo việc làm ổn định với thu nhập khoảng 05 triệu đồng/người/tháng cho lao động tại địa phương làm việc trực tiếp tại HTX. Bên cạnh đó, hằng năm bao tiêu nguồn nguyên liệu bí xanh tươi (diện tích 11,23ha trên địa bàn) để sản xuất trà bí xanh thơm cho 64 hộ dân liên kết trồng bí xanh thơm cho HTX với giá thu mua dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg bí xanh tươi, qua đó tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
“Vốn mồi” tạo sức bật cho CNNT Bắc Kạn phát triển
Đồng chí Quách Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Các đề án khuyến công đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, như chế biến nông sản, thực phẩm. Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất từng bước tổ chức có hiệu quả, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở, từng bước hiện thực hóa ý tưởng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi” góp phần khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được quan tâm triển khai sâu rộng, các sản phẩm tiêu biểu được thị trường đón nhận và đưa vào hệ thống các kênh phân phối lớn trên cả nước, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Công nhân Công ty TNHH Hà Diệp vận hành thiết bị được hỗ trợ trong sản xuất.
Ngoài hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm, Trung tâm còn giới thiệu, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu trong và ngoài nước; tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp giao lưu học hỏi, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Năm 2024, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương phối hợp với địa phương khảo sát và đăng ký được 07 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 08/8/2023 với tổng kinh phí thực hiện 406 triệu đồng.
Hội đồng bình chọn tiến hành bình chọn các sản phẩm CNNTTB năm 2024.
Đồng chí Quách Mạnh Thắng khẳng định: Hoạt động khuyến công mang lại hiệu quả, nhất là hỗ trợ cho các cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến,... góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Để tiếp sức, tạo đòn bẩy cho các cơ sở CNNT từng bước phát triển bền vững, trong năm 2024 Trung tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT; tiếp tục đồng hành cùng cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tao-suc-bat-cho-cong-nghiep-nong-thon-phat-trien-post62993.html