Tạo sức bật cho du lịch
Thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án), trong 3 năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh có sự khởi sắc, hình thành nhiều sản phẩm du lịch cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhiều chuyển biến
Qua 3 năm thực hiện Đề án, nhận thức của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch được nâng lên và chuyển biến rõ nét. Sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng, với du lịch biển, đảo giữ vai trò mũi nhọn. Trong đó, đảo Lý Sơn tiếp tục là sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Những năm qua, huyện Lý Sơn đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch. Nhờ đó, huyện có nhiều nguồn lực để phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển - đảo. Lượng khách du lịch đến với Lý Sơn tăng đều qua từng năm. Riêng năm 2024, huyện đón hơn 181 nghìn lượt du khách, trong đó có trên 2.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với năm 2023.
Đến nay, huyện Lý Sơn có 118 cơ sở lưu trú và 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Với 6 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Lý Sơn trở thành “đầu tàu” của ngành du lịch Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi hiện có 3 khu du lịch cấp tỉnh và 4 điểm du lịch được cấp có thẩm quyền công nhận. Sản phẩm du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng tại các điểm di tích, di chỉ khảo cổ tiếp tục được khai thác phục vụ phát triển du lịch; sản phẩm du lịch tâm linh tiếp tục được quan tâm đầu tư, tôn tạo.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch khám phá cảnh sắc thiên nhiên cũng bước đầu hình thành, phục vụ các nhóm khách nội tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi. Từ năm 2022 đến nay, Sở VH-TT&DL đã chuyển giao 4 mô hình du lịch cộng đồng cho các huyện Nghĩa Hành, Lý Sơn, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi vận hành, quản lý. Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương ngày càng phát triển, với các mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống...
Để du lịch “cất cánh”
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của tỉnh còn có những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các dữ liệu, tối ưu hóa chất lượng trải nghiệm cho du khách vẫn còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quốc Huy Hoàng cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của tỉnh là để phát triển du lịch. Do đó, cần tiếp tục nâng cao ứng dụng du lịch thông minh, ứng dụng khám phá Lý Sơn, cập nhật dữ liệu về điểm đến, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch đầy đủ hơn. Cùng với đó là, hình thành cổng thông tin du lịch tỉnh Quảng Ngãi để cung cấp đầy đủ, toàn diện thông tin và tiện ích cho du khách khi quan tâm và trực tiếp trải nghiệm du lịch tại Quảng Ngãi. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch.
Nếu như năm 2022, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi đạt 650 nghìn lượt, doanh thu đạt 700 tỷ đồng, thì đến năm 2024, ước đạt hơn 1,4 triệu lượt khách, doanh thu hơn 1.434 tỷ đồng.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của Quảng Ngãi. Sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, nổi trội, chưa có sản phẩm du lịch tạo thương hiệu đặc trưng. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phan Long nhìn nhận, một trong những hạn chế của ngành du lịch là điểm tham quan tại các địa phương trong tỉnh còn rời rạc. Cơ sở hạ tầng di chuyển đến điểm tham quan chưa thông suốt, ảnh hưởng đến việc kết nối sản phẩm du lịch với du khách...
“Thời gian tới, Quảng Ngãi cần tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa; chú trọng phân khúc thị trường với khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế... Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm...”, ông Long nêu giải pháp.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2030, trở thành khu du lịch quốc gia. Tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đã và đang phát huy hiệu quả. Triển khai có hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng đã được chuyển giao và nhân rộng mô hình này tại các địa phương có điều kiện khác. Phát triển, nhân rộng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn...
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202412/tao-suc-bat-cho-du-lich-74610f0/