Tạo sức bật cho đường sắt đô thị tăng tốc
Ngày 23/1/2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về phát triển giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. Cùng với nhiều định hướng quan trọng đã và đang được Trung ương thông qua, Chỉ thị này thể hiện rõ quyết tâm và hành động thiết thực củng cố nguồn lực chính sách, tạo đà phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tại Hà Nội đã phát huy hiệu quả cao.
Hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô đã từng bước được hình thành. Một số tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác, cho hiệu quả tức thời như: Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông; đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3.1 Nhổn-Ga Hà Nội. Trong đó, chỉ sau sáu tháng đi vào vận hành khai thác thương mại, đoạn trên cao tuyến Nhổn-Ga Hà Nội đã phục vụ gần 3,4 triệu hành khách với tỷ lệ vé tháng chiếm hơn 60%. Số liệu này cho thấy, đường sắt đô thị đang là phương tiện giao thông công cộng được người dân quan tâm và sử dụng một cách thường xuyên, nhất là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và người đi làm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội nhận định, quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị còn chậm, gặp nhiều thách thức và khó khăn. Nguồn lực đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay ODA, dẫn đến bị ràng buộc về cơ chế và công nghệ. Mô hình tổ chức quản lý dự án còn bất cập, các dự án đầu tư xây dựng thường xuyên chậm tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến đội vốn, lãng phí... Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế đó chủ yếu là do thiếu sự đồng bộ trong công tác phối hợp triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, với mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, phấn đấu nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%, thành phố Hà Nội đã đề xuất Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với một kế hoạch, ba phân kỳ. Cụ thể, giai đoạn 1, từ nay đến năm 2030 thành phố phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km đường sắt đô thị, chuẩn bị đầu tư 301 km. Giai đoạn 2 từ 2030-2035, hoàn thành xây dựng 301 km đường sắt đô thị và giai đoạn tiếp theo (2036-2045) phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7 km nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 600 km.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị gặp nhiều khó khăn. Nếu vẫn xây dựng các tuyến còn lại theo phương thức cũ thì thành phố sẽ gặp thách thức lớn về nguồn lực, vốn... “Thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị là rất cần thiết và mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông) chính là hướng giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường kiến nghị.
Để hoàn thành kế hoạch đầy thách thức nêu trên, thành phố đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án. Trong đó, Chỉ thị số 41 của Ban Thường vụ Thành ủy được ban hành mới đây yêu cầu các đơn vị cần phải huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, trong đó nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Ngoài ra, thành phố nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) trong quy hoạch để khai thác và sử dụng hiệu quả giá trị từ quỹ đất, không gian ngầm tại khu vực chung quanh các nhà ga, khu vực depot; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các công trình lịch sử, văn hóa tại khu vực có các tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, nhằm đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông xanh và sạch nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon do các phương tiện giao thông gây ra.
Trên cơ sở Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu các chính sách về việc huy động và cơ chế quản lý đặc thù để tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, trong đó ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng và phương tiện kinh doanh vận tải đường sắt đô thị.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ, đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hướng tới mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thời gian chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-suc-bat-cho-duong-sat-do-thi-tang-toc-post860385.html