Tạo sức bật để phát triển kinh tế
Nối tiếp đà phục hồi, phát triển, trong sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, hướng đi đúng đắn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, tạo sức bật cho kinh tế thành phố tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn.
Quan trọng hơn, những kết quả đạt được đã và đang tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng tốc
Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sáu tháng đầu năm 2022, UBND thành phố đánh giá nền kinh tế thành phố đã phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng. Trên cơ sở những kết quả đạt được từ quý IV năm 2021, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ mức giảm sâu ở quý III năm 2021 (-24,97%), quý IV năm 2021 (-11,64%) thì sáu tháng đầu năm nay ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so cùng kỳ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực, thực phẩm; hóa dược-cao-su) ước tăng 7,1% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ. Kinh tế phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách tăng; sáu tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, những kết quả đạt được cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế-xã hội đã trở lại mạnh mẽ. Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành đã mạnh dạn điều chỉnh, khắc phục các hạn chế ngay khi phát hiện các vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Phạm Tấn Đạt, sáng lập Công ty FADO cho biết, bản thân ông và nhiều doanh nghiệp rất bất ngờ khi các vấn đề, ý kiến của ông và nhiều doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách khi đầu tư vào Khu công nghệ cao được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trực tiếp giải đáp. Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND thành phố cũng không ngần ngại nêu lên những hạn chế của các đơn vị, sở, ngành trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Điều này đã tác động tích cực đến tâm lý, tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. UBND thành phố cũng cam kết sẽ tiếp tục cải tiến, tạo ra các kênh kết nối, hỗ trợ hiệu quả để tạo ra hệ sinh thái tốt nhất giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện phục hồi và phát triển.
Nỗ lực tháo điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, bên cạnh những kết quả đạt được thì thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhiều dư địa chưa được khai thác hiệu quả. Các khu vực kinh tế tăng trưởng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng. So với năm 2020, chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của thành phố đã tụt hạng (hạng 43 so với hạng 23 của năm 2020).
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, bên cạnh những vướng mắc về thể chế, chính sách nói chung thì môi trường đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là yếu tố con người khi đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ vẫn tạo nhiều “vết gợn” trong quá trình tương tác với người dân, doanh nghiệp. Vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian khiến việc hấp thụ vốn đầu tư xã hội hạn chế, dòng tiền không chảy vào sản xuất, kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế.
Thời gian tới, các ngành, quận, huyện của thành phố cần tiếp tục nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường sự lưu thông nguồn vốn, tạo việc làm, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp,... Trong đó, nỗ lực giải quyết thủ tục hành chính để tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công việc được chạy nhanh, đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc trong năm 2023.
Nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của năm 2022 mà còn tạo đà tăng tốc mạnh hơn trong năm 2023...
Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, sau một năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh mặt thuận lợi trong quá trình thực hiện, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế về cơ chế, chính sách nên thành phố chưa có cơ chế huy động nguồn lực thực hiện dự án, phát triển kinh tế-xã hội; tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa để phát triển nhanh, bền vững. Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội cũng ảnh hưởng về công tác tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/tao-suc-bat-de-phat-trien-kinh-te-703387/