Tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt

Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko cho biết, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin lần này có ý nghĩa tăng cường sự tin cậy chính trị ở cấp cao nhất trong quan hệ hai nước, đồng thời mở ra một triển vọng hợp tác mới.

 Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko

* PHÓNG VIÊN: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20-6. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

* Đại sứ G.S. BEZDETKO: Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã 4 lần thăm Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra vào các năm 2001, 2006, 2013 và năm 2017 khi tham dự các sự kiện APEC tại TP Đà Nẵng, đồng thời có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam. Từ đó đến nay, hai nước vẫn luôn duy trì các chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt trong nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, trao đổi nhân đạo và tất nhiên là cả quốc phòng và an ninh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng thời, hai bên cũng sẽ tổ chức sự kiện long trọng với sự tham gia của nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Nga. Sau chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ thông qua Tuyên bố chung cũng như ký kết một gói văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, tư pháp, quy chế hải quan, y tế, năng lượng cũng như thông qua các tổ chức khoa học.

Hơn 3 thập niên qua, quan hệ Nga - Việt được đánh dấu bằng sự mở rộng năng động và đa dạng hóa hợp tác song phương. Trong đó, đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo luôn là cơ hội để tăng cường tin cậy chính trị, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ.

* Việt Nam có vai trò như thế nào trong chính sách đối ngoại của Nga hiện nay?

* Chính sách “hướng Đông” trong đối ngoại của Nga hiện nay đang trở thành một trong những hướng có ý nghĩa quyết định lâu dài. Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt với các nước hàng đầu và các hiệp hội liên quốc gia, trong đó có ASEAN, trước hết là Việt Nam.

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên trường quốc tế, trước hết là tại Liên hợp quốc và trong các khuôn khổ lấy ASEAN làm trung tâm, dựa trên sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực.

Nga ủng hộ việc tăng cường hợp tác đa nền tảng giữa các hiệp hội, trong đó có Liên minh Kinh tế Á-Âu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và ASEAN, cũng như tăng cường liên kết kinh tế với một không gian mở rộng cùng có lợi với sự tham gia của tất cả các quốc gia cùng quan tâm.

 Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt V. Buyanov (thứ 2 từ phải sang), nguyên chuyên gia Liên Xô tại công trình xây dựng nhiệt điện Phả Lại, trở lại thăm nhà máy năm 2019. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt V. Buyanov (thứ 2 từ phải sang), nguyên chuyên gia Liên Xô tại công trình xây dựng nhiệt điện Phả Lại, trở lại thăm nhà máy năm 2019. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG PHÁT

* Cụ thể hơn, những lĩnh vực nào là thế mạnh và có triển vọng trong hợp tác giữa hai nước?

* Tiềm năng để tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa sự hợp tác song phương Nga - Việt thực sự rất lớn. Sự hợp tác đó dựa trên truyền thống không thay đổi của tình hữu nghị, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi do các thế hệ cha ông chúng ta xây dựng nên và nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân hai nước chúng ta.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất công nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cũng như thực hiện nhất quán các thỏa thuận ở cấp cao và cao nhất. Chúng tôi tin rằng, việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam đáp ứng đầy đủ các lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước chúng ta.

Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử carbon cho nền kinh tế. Nga với tư cách là một trong những nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này, sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện “sạch”, tin cậy và ổn định, trước hết là điện hạt nhân - đây là điều được nhiều nước châu Á lựa chọn làm giải pháp thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.

Nga và Việt Nam cũng có tiềm năng lớn để hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trước hết là giáo dục đại học. Liên minh các trường đại học kỹ thuật được thành lập nhằm mở rộng cơ hội đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng và chế tạo máy bay. Hiện nay, hàng năm, Nga vẫn cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch giáo dục miễn phí lớn nhất gồm 1.000 suất học bổng. Bên cạnh đó, ngoại giao nhân dân hiện cũng là một trong những công cụ quan trọng nhất trong sự tương tác của chúng ta trong lĩnh vực nhân văn.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Chúng ta có lịch sử chung phong phú, kinh nghiệm hợp tác sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực, đối thoại chính trị sâu rộng, trao đổi nhân văn, các giá trị và định hướng phát triển tương đồng. Tất cả những điều này là cơ sở đáng tin cậy để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt trong giai đoạn hiện nay.

Chiều 19-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông A.E.Likhachev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) đang làm việc tại Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả hơn, vì mục đích hòa bình, nhất là trong bảo đảm năng lượng, phục vụ dân sinh.

Thủ tướng đề nghị phía Nga và Rosatom tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực khoa học hạt nhân; vận hành lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt để có thể chạy thêm khoảng 8-10 năm; phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc để bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai...

PHAN THẢO

LƯU THỦY thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-them-dong-luc-de-phat-trien-quan-he-hop-tac-nga-viet-post745384.html