Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng

Rửa tay với xà phòng là một việc làm tưởng chừng rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện một cách thường xuyên, song trên thực tế việc thực hiện hành vi này còn rất thấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, rửa tay sạch sẽ được coi là cách phòng chống quan trọng nhất để giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm. Trong công tác vệ sinh cá nhân nếu như không chú trọng vệ sinh bàn tay sẽ là yếu tố nguy cơ cao để lây lan nhiều loại bệnh.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa như tả, lỵ, dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) và đặc biệt là bệnh chân tay miệng, một trong những bệnh nguy hiểm đang diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian gần đây.

Trong hoạt động hàng ngày, mỗi người thường xuyên tiếp xúc với nhiều bề mặt, dẫn đến việc tích tụ vi khuẩn trên tay. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng bàn tay của một người có thể chứa đến 4,6 triệu vi khuẩn và mầm bệnh, tập trung nhiều ở kẽ tay và dưới móng tay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vi khuẩn và mầm bệnh này có thể lây nhiễm cho chính bản thân qua các hành động vô tình như chạm vào mắt, mũi, miệng hoặc lây lan ra cộng đồng khi tiếp xúc gần, chế biến thực phẩm và đồ uống.

Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh, mỗi người nên rửa tay sạch bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng như trước và sau khi ăn, trước khi xử lý thực phẩm, sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi đi vệ sinh và sau khi trở về từ nơi công cộng.

Các bước rửa tay bằng xà phòng.

Các bước rửa tay bằng xà phòng.

Rửa tay bằng xà phòng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật. Tuy nhiên, khi rửa tay, chúng ta không nên rửa qua loa mà phải chà xát kỹ càng ít nhất 20-30 giây dưới vòi nước chảy mạnh để loại bỏ hết dịch tiết bám trên tay.

Các nghiên cứu y học cho thấy, rửa tay đúng cách với xà phòng có thể giảm gần 50% số ca mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, hàng năm nước ta ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy và khoảng 40.000-50.000 trường hợp mắc bệnh lỵ. Các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp thường liên quan đến việc vệ sinh cá nhân kém, thiếu nước sạch và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh.

Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tìm hiểu về lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng và các nguy cơ sức khỏe khi không rửa tay thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Hãy đảm bảo luôn có xà phòng và nước sạch sẵn có ở những nơi bạn thường xuyên sử dụng như nhà bếp, phòng tắm, và nơi làm việc.

Khi bạn thường xuyên rửa tay, những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, sẽ học theo và hình thành thói quen tốt này. Khuyến khích tất cả thành viên trong gia đình rửa tay cùng nhau vào những thời điểm cụ thể trong ngày. Điều này không chỉ tạo thói quen mà còn giúp gắn kết gia đình.

N.T.D

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tao-thoi-quen-rua-tay-bang-xa-phong-434405.html