Những việc cần làm ngay khi sáng ngủ dậy bị đau lưng dưới

Đau lưng dưới là một trong những loại đau lưng phổ biến nhất với nhiều mức độ đau khác nhau. Có nhiều người gặp phải tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lưng dưới, nguyên nhân do đâu?

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều người bị đau lưng dưới nhẹ và cảm giác căng cứng lưng sau khi ngủ dậy do duy trì một tư thế ngủ cố định trong thời gian dài. Nhưng nếu tình trạng ngủ dậy bị đau lưng dưới kéo dài với cơn đau nghiêm trọng hơn ngay cả sau khi bạn thức dậy đã vài giờ và di chuyển xung quanh hoặc cơn đau lưng dưới bùng phát khiến giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn thì có thể là do một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó, tình trạng này có thể cần phải thăm khám bác sĩ để can thiệp điều trị sớm.

Xác định chính xác nguyên nhân khiến bạn ngủ dậy bị đau lưng dưới và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn cũng như tràn đầy năng lượng để khởi động một ngày mới và tránh các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng do bệnh kéo dài không được chữa trị tận gốc.

1. Sáng ngủ dậy bị đau lưng dưới do đâu?

Đau lưng có xu hướng nặng nhất vào buổi sáng, kéo dài vài giờ và sau đó giảm dần trong ngày khi hoạt động lưng trở lại. Trong khi một số người thỉnh thoảng mới gặp phải cơn đau lưng dưới thì số khác lại bị đau lưng dưới mãn tính, bao gồm cả khi ngủ dậy bị đau lưng.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến một người ngủ dậy bị đau lưng mà bạn có thể tham khảo:

- Tư thế ngủ

Tư thế ngủ kém có thể dẫn đến đau lưng hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau lưng hiện tại vì nó gây căng thẳng cho cột sống. Một số tư thế ngủ có thể dẫn đến đau lưng trên hoặc đau lưng dưới, trong khi những tư thế ngủ khác lại có thể giúp giảm nguy cơ đau lưng.

Theo Sleep Foundation, một tư thế ngủ tốt có thể giúp thúc đẩy mối liên kết lành mạnh từ đầu tới hông của bạn. Chẳng hạn, tư thế ngủ ngửa hoặc nằm ngủ nghiêng sẽ tốt hơn so với nằm sấp ngủ và cũng giúp ngăn ngừa những cơn đau lưng do nằm ngủ sai tư thế gây ra.

Tư thế ngủ không đúng có thể khiến bạn bị đau lưng dưới khi ngủ dậy (Ảnh: ST)

Tư thế ngủ không đúng có thể khiến bạn bị đau lưng dưới khi ngủ dậy (Ảnh: ST)

- Nệm

Một tấm nệm cũ hoặc không có khả năng hỗ trợ có thể khiến bạn thức dậy và bị đau lưng dưới. Các dấu hiệu cho thấy nệm cần phải thay mới là khi nệm bị võng, lõm, không còn khả năng nâng đỡ cơ thể và cột sống.

- Tư thế ra khỏi giường không đúng

Cách bạn ra khỏi giường vào buổi sáng có thể làm giảm hoặc làm tăng thêm tình trạng căng cơ ở lưng. Đứng lên quá nhanh hoặc uốn cong hoặc vặn người không đúng cách hoặc nhanh chóng có thể làm căng lưng và dẫn đến đau và cứng khớp hơn.

Khi bạn đã sẵn sàng ra khỏi giường, hãy di chuyển từ từ đến mép giường. Sử dụng cánh tay để tạo lực đòn bẩy và chuyển sang tư thế ngồi trong đó hai chân buông thõng ở thành giường. Hãy dành ít nhất 10 giây để nghỉ ngơi ở tư thế này, sau đó từ từ đặt chân xuống sàn và đứng lên.

Cách bạn ra khỏi giường vào buổi sáng có thể làm giảm hoặc làm tăng thêm tình trạng căng cơ ở lưng (Ảnh: ST)

Cách bạn ra khỏi giường vào buổi sáng có thể làm giảm hoặc làm tăng thêm tình trạng căng cơ ở lưng (Ảnh: ST)

- Tập thể dục quá sức

Nếu bạn thường xuyên tập thể dục và giãn cơ đúng cách, tình trạng đau lưng và cứng khớp lưng dưới có thể được cải thiện. Tuy nhiên nếu tập thể dục quá sức trong nhiều ngày và không để cơ thể có thời gian phục hồi có thể khiến một người ngủ dậy bị đau lưng dưới và đau nhiều khớp ở các vị trí khác.

Ngoài tránh tập thể dục quá sức trong thời gian dài thì khi tập thể dục, cần chú ý tới việc khởi động đúng cách trước khi tập và hạ nhiệt sau khi tập để ngăn ngừa các cơn đau cứng cơ khớp cũng như để cơ bắp có thời gian phục hồi sau khi tập luyện, tránh những sai lầm ảnh hưởng tới hiệu quả tập luyện cũng như chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.

- Thoái hóa đĩa đệm

Thoái hóa đĩa đệm đề cập đến những thay đổi trong đĩa đệm cột sống dẫn đến đau lưng. Thoái hóa đĩa đệm có thể xảy ra do lão hóa, chấn thương hoặc đôi khi là hệ quả của một số hoạt động hàng ngày không đúng cách khiến đĩa đệm cột sống bị tổn thương.

Thoái hóa đĩa đệm có thể khiến một người bị đau lưng dưới và cơn đau này có thể nghiêm trọng hơn vào buổi sáng, đau khi nằm ngửa hoặc nằm nghiên trong thời gian dài khiến đĩa đệm đang bị viêm, sưng đè lên rễ thần kinh hoặc gây viêm dây thần kinh.

Thoái hóa đĩa đệm đề cập đến những thay đổi trong đĩa đệm cột sống dẫn đến đau lưng (Ảnh: ST)

Thoái hóa đĩa đệm đề cập đến những thay đổi trong đĩa đệm cột sống dẫn đến đau lưng (Ảnh: ST)

- Đau cơ xơ hóa

Đau lưng là triệu chứng phổ biến của chứng đau cơ xơ hóa, một tình trạng cơ xương gây đau lan rộng. Hầu hết các triệu chứng của đau cơ xơ hóa không dễ để nhận biết. Các triệu chứng cho thấy bạn cần thăm khám để được chẩn đoán bao gồm: Xuất hiện các điểm kích hoạt cơn đau khi ấn vào, cảm giác đau nhạy hơn bình thường, mệt mỏi, khó ngủ hơn vào ban đêm, hội chứng chân không yên, đau nhức đầu dạng đau nhói có thể kèm theo đau bụng, nôn nao, đau hàm, sương mù não và nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh và các cảm giác xúc giác.

Đau lưng do đau cơ xơ hóa có thể khiến một người cảm thấy đau nhức từ sâu bên trong, cứng khớp và cảm giác đau này có thể phổ biến hơn vào buổi sáng.

- Viêm khớp

Nhiều tình trạng viêm khớp khác nhau có thể gây đau lưng, bao gồm cả đau lưng dưới vào buổi sáng. Các tình trạng này có thể là: Viêm xương khớp (OA), viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm cột sống dính khớp (AS).

Nếu mắc một trong những tình trạng này, bạn có thể bị đau lưng khi không di chuyển trong thời gian dài, chẳng hạn như khi ngủ. Tùy từng tình trạng mà cảm giác đau và những triệu chứng sẽ có sự khác biệt nhất định.

Ngoài những tình trạng sức khỏe có thể khiến đau lưng dưới khi ngủ dậy kể trên, đau lưng dưới cũng có thể liên quan tới thai kỳ. Tỷ lệ đau lưng khi mang thai chiếm tới 30 - 78%, với các mức độ đau khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng dưới khi mang thai, bao gồm: tăng giải phóng hormone làm mềm dây chẳng và khớp vùng chậu khiến khả năng hỗ trợ lưng giảm; trọng lượng của thai nhi tăng lên; khi mang thai trọng tâm của mẹ bầu cũng dồn về phía trước khiến lưng dưới dễ bị đau hơn.

2. Mẹo giảm đau lưng dưới khi thức dậy

Tùy từng nguyên nhân gây đau cũng như mức độ đau mà biện pháp điều trị cho chứng đau lưng sau khi thức dậy cũng sẽ có sự khác biệt. Theo Medical News Today, nếu cơn đau lưng không tự cải thiện sau khi thức dậy và di chuyển khoảng vài giờ, người bệnh có thể giảm nhẹ cơn đau lưng dưới bằng một số biện pháp như:

- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC): Người bệnh có thể uống thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), như aspirin hay ibuprofen.

- Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc kê đơn này có tác dụng làm giãn cơ và có thể giúp giảm đau cơ lưng. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy thuốc giãn cơ nói chung không hiệu quả đối với đau lưng mãn tính và việc sử dụng lâu dài có thể tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Trước khi sử dụng, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

- Liệu pháp nhiệt và lạnh: Áp dụng chườm nhiệt hoặc chườm túi đá lên vùng lưng dưới có thể giảm tình trạng đau và viêm cũng như cải thiện khả năng vận động.

- Duỗi nhẹ cơ lưng: Việc duỗi cơ nhẹ nhàng có thể giảm bớt đau và cải thiện khả năng di chuyển ở lưng dưới. Tuy nhiên, người bệnh nên thảo luận trước với bác sĩ để đảm bảo rằng việc duỗi cơ không làm trầm trọng thêm triệu chứng đau lưng dưới khi ngủ dậy, đặc biệt khi cơn đau đang bùng phát nghiêm trọng.

3. Khi nào ngủ dậy bị đau lưng dưới cần thăm khám bác sĩ?

Nếu tình trạng đau lưng dưới xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt thường ngày thì bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sẽ giúp xác định cơn đau lưng dưới của bạn xuất phát từ đâu. Điều quan trọng là phải tìm kiếm các biện pháp điều trị y tế kịp thời đối với những cơn đau lưng dưới dữ dội gây cản trở tới khả năng di chuyển và các sinh hoạt thường ngày.

Bạn cũng cần thăm khám bác sĩ sớm nếu cơn đau lưng đi kèm với các vấn đề sức khỏe tại ruột; tại bàng quang; một bên tay hoặc chân bị tê hoặc yếu; thở hụt hơi.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh liệt kê về các triệu chứng mà họ gặp phải, tiền sử y tế, tiền sử sử dụng thuốc, tiến hành kiểm tra thể chất. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm để giúp xác định nguyên nhân cơ bản gây đau lưng dưới, chẳng hạn như chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang hoặc chụp CT.

Nguồn: Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-viec-can-lam-ngay-khi-sang-ngu-day-bi-dau-lung-duoi-20240625110758538.htm