Tạo thuận lợi nhất cho nhân dân và cơ quan tổ chức trong tiếp cận dịch vụ công chứng

Chiều 28.8, tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung tiếp thu trong dự thảo Luật, các đại biểu cũng góp ý hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng tạo thuận lợi nhất cho Nhân dân và cơ quan tổ chức trong tiếp cận dịch vụ công chứng, dịch vụ chứng thực có liên quan, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng miền.

Nghiên cứu quy định loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng với văn phòng công chứng

Khoản 1, Điều 20 dự thảo Luật quy định, văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cân nhắc thêm tính thực tiễn của quy định này với lý do: việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên nhằm bảo đảm hoạt động được liên tục, ổn định của Văn phòng Công chứng, tuy nhiên, quy định này cần xét đến khía cạnh vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, chia cắt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; địa bàn chưa phát sinh nhiều hợp đồng dân sự, kinh tế… công việc chỉ cần một công chứng viên hành nghề là đủ thì việc đáp ứng điều kiện “có từ hai thành viên hợp danh trở lên” để thành lập văn phòng công chứng là vấn đề khó do không bù đắp được chi phí, dễ dẫn đến việc hợp danh hình thức, cản trở việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng mà thực chất là cản trở sự tiếp cận dịch vụ công của người dân.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, đại biểu Dương Khắc Mai cũng nhấn mạnh, cần bảo đảm sự đồng bộ, bình đẳng hơn giữa các văn phòng công chứng khi hiện nay nhiều Phòng Công chứng Nhà nước chỉ có một công chứng viên. Từ đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị đánh giá, nghiên cứu thêm đối với quy định này; cần cân nhắc tính đặc thù về địa bàn, dân cư, mức độ phát triển để bổ sung quy định việc thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên đứng ra thành lập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Từ thực tế nhiều địa phương không có tổ chức hành nghề công chứng, một số đại biểu cũng đề nghị nên quy định theo hướng cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân theo mô hình 1 công chứng viên, nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ công chứng cho người dân. Trước băn khoăn về việc văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên hành nghề không bảo đảm được hoạt động liên tục của văn phòng, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng đây không phải vấn đề lớn vì trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, cộng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì người sử dụng dịch vụ công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch hẹn, văn phòng công chứng và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký dịch vụ.

Các ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An), Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)… cũng đề nghị nên sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo 2 loại mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu lý do, theo quy định tại Điều 177, 188 của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp, nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Về mặt mô hình, cả hai loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc loại bỏ mô hình doanh nghiệp tư nhân đối với văn phòng công chứng không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động của văn phòng công chứng. Thực tế cũng đã chứng minh, công ty hợp danh không phải mô hình tối ưu được các tổ chức hành nghề công chứng lựa chọn bởi vì yếu tố hợp danh có thể bị phá vỡ khi có công chứng viên hợp danh chết, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc không tiếp tục hành nghề dẫn đến văn phòng công chứng không hoạt động được.

Hơn nữa, quy định về văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên cũng làm hạn chế việc triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng một cách có hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị, cần nghiên cứu quy định việc chuyển đổi các phòng công chứng hiện có tại những địa bàn cấp huyện phát triển các văn phòng công chứng về những địa bàn cấp huyện chưa phát triển các văn phòng công chứng.

Không nên quy định công chứng viên có nghĩa vụ gia nhập Hội Công chứng viên tại địa phương

Điểm h, khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật quy định công chứng viên có nghĩa vụ “gia nhập Hội Công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó”. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị không quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với công chứng viên mà chỉ nên quy định là quyền của công chứng viên.
Theo đại biểu, việc quy định công chứng viên có nghĩa vụ phải tham gia vào Hiệp hội Công chứng như dự thảo Luật là không phân biệt được về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các thành viên Hiệp hội Công chứng với các công chứng viên tham gia vào Hiệp hội công chứng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu nhấn mạnh, Hiệp hội Công chứng là tổ chức xã hội nghề nghiệp được hình thành và hoạt động theo cơ chế tự nguyện tham gia của các công chứng viên. Các công chứng viên tham gia Hiệp hội Công chứng là tự nguyện, không bị bắt buộc và không bị giới hạn trong phạm vi địa hạt hoạt động. Hiệp hội Công chứng có thể lên danh sách các hội viên, nhưng việc họ có đóng phí hay không, có tham gia các các hoạt động hay không là sự tự nguyện của các công chứng viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật “công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng khi bị xóa tên khỏi danh sách hội viên Hội công chứng viên hoặc bị khai trừ ra khỏi Hội công chứng viên”.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-thuan-loi-nhat-cho-nhan-dan-va-co-quan-to-chuc-trong-tiep-can-dich-vu-cong-chung-i386168/